Showing posts with label Dich vu ngan hang. Show all posts
Showing posts with label Dich vu ngan hang. Show all posts

16 June 2012

Thẻ tín dụng (credit card) – công cụ tài chính hiệu quả

Thẻ tín dụng (credit card) – công cụ tài chính hiệu quả
Thẻ tín dụng là công cụ tài chính rất thông dụng ở hầu hết các quốc gia phát triển. Hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam đã dần dần cung cấp thẻ tín dụng cho nhiều khách hàng, đặc biệt là khách hàng có thu nhập cao. Trong khi đó ngày càng nhiều cửa hàng, dịch vụ chấp nhận thanh toán bằng credit card.
Thẻ tín dụng hoạt động theo nguyên tắc giống như là bạn mượn tiền từ ngân hàng chi tiêu trước rồi sau đó đến ngày sẽ trả lại ngân hàng mà không mất tiền lãi.
Ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn một thẻ với 16 số ở mặt trước, 3 số CV2 ở mặt sau. Bạn sẽ được cấp một hạn mức giao dịch nào đó. Với số tiền hạn mức đó bạn có thể mua sắm từ các cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ, mua sắm trên mạng hoặc rút tiền. Mỗi lần thanh toán bạn chỉ cần đưa thẻ cho nhân viên. Nhân viên sẽ quẹt thẻ vào máy, và hoá đơn in ra. Bạn kiểm ra hoá đơn và ký tên. Thanh toán được thực hiện một cách dễ dàng.
Trên thẻ của bạn sẽ có một trong số các logo: Visa, Master, America Express. Các logo này xác định loại thẻ tín dụng của bạn.

A) Ích lợi: bạn sẽ được ứng truớc tiền thanh toán hàng hoá trong khoảng 15 đến 45 ngày mà không phải chịu bất cứ lãi nào. Bạn còn có thể được tích lũy điểm khi sử dụng tức là sử dụng càng nhiều bạn sẽ càng được thưởng nhiều lợi ích từ ngân hàng.
Ngoài ra hoá đơn hàng tháng sẽ giúp bạn thống kê được giao dịch chi tiêu trong tháng. Thẻ tín dụng có thể trở thành công cụ quản lý tài chính miễn phí cho bạn.
Bên cạnh đó bạn còn được hưởng ưu đãi từ một số cửa hàng, dịch vụ khi bạn thanh toán bằng credit card của một ngân hàng nào đó. Danh sách cửa hàng, dịch vụ phụ thuộc vào chương trình hợp tác khuyến mãi giữa ngân hàng và các dịch vụ đó.
B) Bất lợi: luôn nhớ một điều rằng các bạn phải thanh toán các món nợ đúng hạn không thì hậu quả có thể rất lớn. Các ngân hàng sẽ tự trừ vào tài khoản của bạn tại ngân hàng phát hành thẻ tính dụng nếu bạn có đăng kí tài khoản tại ngân hàng đó, hoặc không bạn phải đến ngân hàng để thanh toán thẻ tín dụng. Lãi suất khi thanh toán trể sẽ rất cao, khoảng gần 2% tháng, tính trên số tiền chưa trả, ngoài ra ngân hàng sẽ phạt thêm tiền bạn thanh toán trễ.
Thử làm một bài toán như sau, một thẻ tín dụng tính lãi suất 24% năm. Bạn mua hàng hết 40 triệu, mỗi tháng bạn trả khoản tối thiểu khoảng 1.2 triệu. Sau bao lâu bạn có thể trả hết số nợ trên : gần 4.5 năm. Khi đó bạn đã thanh toán tổng cộng cho ngân hàng khoảng : 64.2 triệu. Như vậy bạn đã trả tổng cộng 160% khoảng nợ của mình.  Điều này có thể tránh được nếu bạn thanh toán đúng hạn.
C) Rủi ro: an toàn khi sử dụng credit card được rất nhiều người nhắc đến. Trên internet ta có thể dễ dàng tìm được các thông tin về credit card “chùa”. Phương thức thông thường lấy cấp thông tin thẻ tín dụng là tạo một trang bán hàng như thật, bạn sẽ phải nhập thông tin credit card vào để mua. Khi nhập vào tức có nghĩa là thông tin của bạn đã bị đánh cắp. Để tránh rủi ro này chúng ta nên chọn mua hàng ở một số trang bán hàng lớn, an toàn. Các trang được kiểm duyệt an toàn để thanh toán từ VeriSign và GeoTrust…
Bạn không nên lưu lại thông tin credit card trên trình duyệt hoặc là gửi qua email. Bạn nên cài phần mềm chống Trojan… Không đưa thẻ cho bất cứ ai, họ chỉ cần ghi lại các thông tin trên thẻ là có thể sử dụng được thẻ thanh toán trực tuyến mà không cần chử ký của bạn lẫn thẻ. Ngoài ra nếu bạn mua hàng thường xuyên trên mạng bạn nên đăng kí dịch vụ paypal để có thể thực hiện giao dịch tiện dụng và an toàn. (Chúng ta sẽ có bài giới thiệu về paypal ở lần sau).
Rủi ro thứ hai là chi tiêu quá sức. Vì thường hạn mức giao dịch sẽ nhiều hơn khả năng chi trả của mình trong tháng. Nếu bạn sử dụng hết 100% hạn mức đìều này có nghĩa là bạn sẽ không có khả năng thanh toán hết đúng hạn. Khoảng chưa thanh toán sẽ chịu lãi lên đến 2% 1 tháng. Do đó bạn nên có kế hoạch chi tiêu trong giới hạn.
D) Phương thức cấp hạn mức credit card. Có 2 phương thức :
1) Thế chấp: bạn phải ký quỹ 1 khoảng tiền nào đó. Khi đó bạn được sử dụng thẻ với hạn mức tương đương khoản tiền ký quỹ đó. Thí dụ để có hạn mức 10 triệu bạn phải ký quỹ 11 triệu tại ngân hàng, 1 triệu là khoảng dư ra để dự trù các khoản phí phát sinh.
2) Tín chấp: bạn không cần ký quỹ chỉ cần có đầy đủ giấy tờ chứng minh bạn nhận được lương hàng tháng trên mức tối thiểu yêu cầu. Bạn sẽ được cấp hạn mức khoảng 2 hoặc 3 lần mức lương đó tùy loại thẻ. Thí dụ bạn nộp giấy tờ chứng minh nhận được khoảng lương 8 triệu hàng tháng. Khi ngân hàng chấp nhận hồ sơ, bạn sẽ được cấp hạn mức từ 16-24 triệu trên thẻ đó.
E) Lời khuyên:
1) Nên chọn hình thức tín chấp hơn là thế chấp vì khi đó bạn sẽ không bị giam một khoản tiền không được hưởng lãi. Bạn sẽ bị động trong việc sử dụng thẻ.
2) Chú ý các loại giấy tờ bạn phải bảo đảm để có thể làm được thẻ:
  • Hợp đồng lao động
  • Bảng sao kê lương hàng tháng ( lương trên 6 triệu)
  • Hộ khẩu
  • Chứng minh nhân dân
  • Một hoá đơn điện, nước, điện thoại tại nơi bạn sinh sống.
3) Bạn nên kiểm soát chi tiêu vì hạn mức thường cao hơn khả năng chi trả trong 1 tháng của bạn. Chỉ nên có từ 1 hoặc 2 credit card để dễ kiểm soát, tránh tình trạng chi tiêu quá mức. Trả tiền đúng hạn để tránh bị tính lãi cao. Trong trường hợp bất khả kháng bạn cũng phải nên trả một khoản tối thiểu để tránh việc ngân hàng tính phí không trả đúng hạn.
4) Luôn kiểm soát hạn mức để có thể chi tiêu đúng. Tránh trường hợp bạn mua hàng quá khả năng thanh toán của thẻ
5) Hiểu rõ các loại phí của credit card: các loại phỉ bạn có thể phải trả : phí phát hành, phí thường niên, phạt vượt hạn mức tín dụng, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt, phí tăng hạn mức tín dụng tạm thời, phí tra soát, phí cấp lại thẻ , phí cấp lại pin, phí chênh lệch tỷ giá.
6) Tích điểm để đổi thưởng: Đa số các loại thẻ tính dụng đều có chương trình tích điểm đổi thưởng. Điểm sẽ tính dựa trên tổng số tiến bạn thanh toán bằng thẻ. Mỗi ngân hàng có tỉ lệ đổi riêng cho từng loại thẻ. Bạn có thể quy đổi điểm thành tiền mặt hoặc thành các sản phẩm dịch vụ khác.
7) Cách tính kì thanh toán: Chúng ta xem ví dụ sau để thấy rõ cách tính thời điểm thanh toán của credit card như thế nào.
Thẻ ngân hàng A cho phép bạn thanh toán chậm nhất là 15 ngày sau ngày có hoá đơn. Bạn được ngân hàng cấp credit card và thông báo bạn nhận được hoá đơn mỗi tháng vào ngày 7.
Nếu bạn sử dụng credit card mua hàng ngày 5/5. Thì trong hoá đơn nhận được ngày 7/5 sẽ hiển thị lần thanh toán đó. Và sau 15 ngày tức là ngày 22/5 bạn phải thanh toán số tiền đó. Điều này có nghĩa là bạn được ứng trước tiền mua hàng 17 ngày.
Nếu bạn sử dụng credit card mua hàng ngày 8/5. Thì trong hoá đơn nhận được ngày 7/6 mới hiển thị lần thanh toán đó. Và sau 15 ngày tức là 22/6 bạn mới phải thanh toán số tiền đó. Điều này có nghĩa là bạn được ứng trứớc tiền mua hàng 45 ngày.
Giờ thì bạn đã hiểu ngân hàng ghi là thời hạn thanh toán 45 ngày nghĩa là thế nào phải không. Bạn cũng nên tính toán thời điểm sử dụng thẻ để thời gian thanh toán là dài nhất.
8 ) Rút tiền mặt từ credit card: lời khuyên của chúng tôi là không nên rút tiền mặt từ credit card. Credit card ra đời nhằm giải quyết nhu cầu mua hàng trước trả sau cho nên việc rút tiền được các ngân hàng hạn chế bằng cách tính phí rút tiền mặt khoảng 3%-5% số tiền mỗi lần rút. Ngoài ra ngay khi rút bạn đã tính lãi suất cho đến khi bạn thanh toán được số tiền đó.
F) Tiêu chí chọn thẻ tín dụng:
  • Thẻ thanh toán rộng rãi, được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi trên nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau.
  • Thời hạn thanh toán dài: thời hạn thanh toán thường sẽ là 15 ngày sau khi nhận hoá đơn hàng tháng. Bạn nên hỏi rõ về vấn đề này với nhân viên ngân hàng.
  • Lãi suất thấp: lãi suất tính trên số tiền chưa thanh toán kịp nên ở mức thấp không quá cao.
  • Cho phép mở thẻ phụ: thẻ phụ là cũng là một credit card riêng biệt tuy nhiên hạn mức là sử dụng chung hạn mức với thẻ chính và giao dịch sẽ được hiển thị hàng tháng trong hoá đơn thẻ chính.
  • Có các khuyến mãi như : miễn phí thường niên, phí phát hành, giảm lãi suất trong các tháng đầu…

Tác giả: Vũ Toàn

Dịch vụ ngân hàng – Thẻ Debit

Dịch vụ ngân hàng – Thẻ Debit
The Debit (thẻ ghi nợ) gần đây cũng được khách hàng ưu chuộng. Trên thẻ cũng sẽ có 16 số ở mặt trước và 3 số CV2 ở mặt sau như là thẻ tín dụng. Ngoài ra thẻ cũng có logo Visa hoặc là Master, tuy nhiên bạn nên kiểm tra lại với ngân hàng phát hành rằng thẻ có thể sử dụng thanh toán quốc tế hay chỉ sử dụng nội địa. khi bạn sử dụng thẻ debit, tiền sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản thanh toán của bạn. Debit card cũng có PIN như là thẻ ATM.
Khi mở tài khoản (account) tiền gửi thanh toán bạn nên yêu cầu được cấp thêm thẻ debit. Có một số ngân hàng cung cấp miễn phí thẻ Debit này còn không thì bạn phải trả phí thường niên.
Bạn có thể sự dụng thẻ debit để rút tiền tại máy rút tiền tự động hoặc máy POS như là thẻ ATM. Ngoài ra thẻ debit cũng có thể được sử dụng như thẻ tín dụng (chỉ cần kí tên lên hoá đơn) nhưng hạn mức sử dụng hạn chế trong số tiền trong tài khoản tiền gửi thanh toán và tiền sẽ bị trừ trực tiếp.

Ích lợi: Sử dụng cả chức năng ATM và chức năng thanh toán như một thẻ tín dụng. Một số thẻ còn cho phép bạn thanh toán trực tuyến, link vào tài khoản paypal. Tiền sẽ được trừ ngay vào tài khoản tiền gửi thanh toán, bạn không phải chịu thêm phí nào khác và sẽ không có khả năng chi tiêu quá khả năng của mình.
Hạn chế: Khi giao dịch thanh toán tại cửa hàng, siêu thị, nhà hàng mà bạn trả bằng debit khi có vấn đề, sai sót bạn khó nhận được tiền hoàn lại. Ngoài ra không nhiều địa điểm chấp nhận thẻ debit cũng như thẻ tín dụng, chủ yếu là ở các nơi sang trọng, trung tâm thương mại lớn.
Rủi ro: do có cả 2 tính năng của thẻ ATM và thẻ tín dụng nên bạn có cả rủi ro của 2 thẻ này. Bạn có thể bị đánh cắp thông tin, số trên thẻ, thông tin cá nhân, số PIN… Bạn cũng có thể bị máy ATM nuốt thẻ, giam tiền, giao tiền kém chất lượng.
Lời khuyên:
  • Bạn nên kiểm tra về việc ngân hàng có tính phí thường niên trên thẻ hay không hay tính phí dựa trên giao dịch.
  • Nên giữ hoá đơn mua hàng và bảng sao kê hàng tháng để làm thống kê chi tiêu.
  • Bạn nên bảo mật mã PIN của mình, không nên đặt mã PIN theo ngày sinh, số điện thoại… để người khác có thể đoán biết. Khi bị mất thẻ, bạn nên báo ngay với ngân hàng phát hành để hạn chế rủi ro người khác sử dụng để rút tiền và bạn có thể làm lại thẻ mới một cách nhanh chóng.
  • Khi máy ATM bị lỗi, nuốt thẻ hoặc giữ tiền lại hoặc tiền rách, thiếu tiền bạn nên ghi lại thời gian, địa điểm và thộng báo ngay đến hotline dịch vụ thẻ ngân hàng phát hành thẻ để họ có cách giải quyết tốt nhất
  • Khi sử dụng thẻ thanh toán trực tuyến nên cẩn thận, xác minh giao dịch, tính pháp lý của website đó. Nếu chắc chắn nên có chứng chỉ bảo mật số như VeriSign, GeoTrust… Khi phát hiện nghi ngờ tính xác thực của giao dịch bạn nên báo ngay cho đơn vị phát hành thẻ để có biện pháp giải quyết hợp lý.
Tác giả: Vũ Toàn

Dịch vụ ngân hàng – Tài khoản tiền gửi tiết kiệm


Khi gửi tiền vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm thì bạn sẽ nhận được lãi suất cao hơn tuy nhiên nếu bạn rút tiền ra trước hạn bạn sẽ chịu phí phạt hoặc lãi thấp hơn. Các kỳ hạn tiền gửi thường có ở các ngân hàng: 1, 2, 3, 6, 9, 12, 18, 24 hoặc 36 tháng. Do nhu cầu tiền gửi ngắn hạn tăng cao thời gian gần đây các ngân hàng có thêm sản phẩm kỳ hạn 1, 2 hoặc 3 tuần.
Nếu phân loại theo lãi suất thì chúng ta sẽ có :
  • Tiền gửi tiết kiệm lãi suất cố định (fix): lãi suất giữ nguyên trong suốt kỳ, lãi sẽ được trả cuối kỳ.
  • Tiền gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi (float): lãi suất sẽ được điều chỉnh định kỳ. Thời gian điều chỉnh là đầu các kỳ lãnh lãi mới (1, 2, 3, 6, 9 hoặc 12 tháng). Lãi sẽ được nhập vào vốn hay là khách hàng rút tiền mặt ở kỳ lãnh lãi.

Ích lợi: lãi suất cao hơn tiền trong tài khoản thanh toán, ổn định, rủi ro thấp. Lãi suất thường sẽ cao hơn lạm phát một chút, do đó bảo đảm giá trị thực của tài sản không bị giảm theo thời gian.
Bất lợi: Nếu chúng ta rút trước khi hết kỳ hạn chúng ta sẽ chịu lãi suất thấp hơn hoặc là chịu phí phạt. Bên cạnh đó, lãi đem lại thường là thấp hơn các mô hình đầu tư thành công khác.
Rủi ro: rủi ro về lãi suất, thanh khoản (cần tiền trước khi tiền gửi đến hạn), các khoản phí phạt mà bạn không biết hết.
Lời khuyên: Các bạn nên cập nhật lãi suất thường xuyên từ các ngân hàng, chọn ngân hàng lớn, uy tín, an toàn với mức lãi suất cao để gửi. Các bạn cũng nên đọc các dự báo lãi suất trong vài tháng tới để chọn kỳ hạn tiền gửi hợp lý. Nếu các bạn xác định lãi suất sẽ sớm tăng thì chỉ nên gửi các kỳ hạn ngắn và ngược lại. Ngoài ra bạn cần xác định nhu cầu cá nhân, kế hoạch tài chính cụ thể để chọn kỳ hạn hợp lý nhất.
Một điều cần lưu ý là các bạn nên tìm hiểu rõ những phí phải chịu trong các trường hợp rút tiền gửi trước hạn. Bạn có thể tính được nếu rút tiền gửi sớm sẽ chịu thiệt hại bao nhiêu so với vẫn giữ nguyên khoản tiết kiệm đó.
Tiêu chí chọn ngân hàng làm tiền gửi tiết kiệm:
  • Ngân hàng lớn, uy tín, hệ thống phòng giao dịch rộng khắp (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, ACB, Techcombank)
  • Lãi suất cao, ổn định
  • Chi phí rút trước hạn thấp, cơ chế linh hoạt
So sánh lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn ở một số ngân hàng: so sánh lãi suất tiền gửi
Tác giả: Vũ Toàn