Vào
năm 1969, John Adair đã giới thiệu một trò chơi đã làm đau đầu nhiều
nhà thông thái, đó là nối 9 điểm bằng 4 đường thẳng liên tục và không
nhấc bút khỏi mặt giấy. Bạn có giải được câu đố này không?
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiyhxJjG7jz2zOgZ4lwk_1zRDIPynfkiN9n5UWplhUjW6sG3QA9on8cXgH9kMeM7YMZf9aasLJEE8GqF2EBOrG9mWdM0Gm0vW4kUrqvl3yr_EajXAIMakmnwLboQSAx-zW-kYi7AnmJLPpP/s400/220px-Ninedots-1.png)
Nếu bạn chỉ nghĩ đến những
đường kẻ bao xung quanh cả 9 điểm như một chiếc hộp thì bạn sẽ không
bao giờ có thể nối được các điểm đó lại với nhau. Tuy nhiên, nếu bạn thử
nghĩ cách kẻ những đường thẳng ra ngoài “chiếc hộp” đó thì mọi việc trở
nên đơn giản hơn rất nhiều. Và từ đó câu thành ngữ: “Think outside the
box” ra đời.
Câu thành ngữ này có nghĩa là
phải sáng tạo trong suy nghĩ, không suy nghĩ theo lối mòn tư duy và
những định kiến trong xã hội. Box (chiếc hộp) ở đây có ngụ ý là những
định kiến, những suy nghĩ sẵn có, nó bao bọc lấy tư duy và suy nghĩ của
con người, giới hạn khả năng tưởng tượng của chúng ta. Phần bên trong
chiếc hộp là có giới hạn, còn phần bên ngoài chiếc hộp là vô hạn. Nếu
chúng ta có thể suy nghĩ ra ngoài chiếc hộp thì khả năng sáng tạo của
chúng ta sẽ là vô biên.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg8AZFCdc5tugDzrR1-tT4NBgeMJCZK6MOjkFeU_Z03F6qCE7ltGG-Y-OaM0G_1A8_YSGx5Ql3yIXkrvptimv1t3q9OL0SK-3TfJLhvMOo-JsUay0_o0OYnAi-udQwmcCMWIb-2ThzMV3IU/s320/think-outside-the-box1.jpg)
Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều
vấn đề nảy sinh, nếu chúng ta cứ suy nghĩ mãi theo một hướng thì đôi khi
chúng ta sẽ cảm thấy bế tắc và không có hướng giải quyết. Nhưng nếu thử
suy nghĩ theo một chiều hướng khác đi, chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên
đơn giản vô cùng. Nếu bạn biết nhìn xa trông rộng và xem xét vấn đề từ
nhiều khía cạnh thì vấn đề sẻ được giải quyết một cách hiệu quả hơn rất
nhiều.
Chính vì thế, để rèn luyện kỹ
năng giải quyết vấn đề, bạn phải luôn nhớ một điều là hãy "think outside
the box" để có được cái nhìn sáng suốt trước mọi vấn đề và vướng mắc
nảy sinh trong cuộc sống.
Đoạn video dưới đây của
chuyên gia Dennis Gilbert sẽ là một ví dụ minh họa điển hình về việc
rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy theo một chiếu hướng mới.
Tư duy ngoài "chiếc hộp" cần những tố chất sau:
- Sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới hàng ngày
- Sẵn sàng làm những việc khác nhau và dám làm theo những cách chưa ai làm
- Tập trung tìm hiểu những ý kiến mới và theo đuổi những ý kiến đó
- Tìm ra những giá trị mới của vấn đề cũ mà chưa ai thấy
- Biết lắng nghe người khác
- Biết hỗ trợ và tôn trọng người khác khi họ đưa ra những ý kiến khác lạ, thậm chí là "điên rồ"
Những người có tư duy ngoài "chiếc hộp" thường là những người dám đón
nhận cái mới, nhìn nhận công việc bằng những lăng kính mới, sẵn sàng bỏ
thăm dò và tìm hiểu những điều mới mẻ đó. Họ tin rằng những ý tưởng mới
dù có thể chưa thuyết phục được phần đông nhưng họ vẫn nuôi dưỡng và
ủng hộ ý tưởng của mình. Họ nhận thấy rằng có được ý tưởng là điều tốt
nhưng thực hiện ý tưởng còn quan trọng hơn nhiều.
Tư duy bên ngoài "chiếc hộp chưa bao giờ là việc đơn giản và không
phải ai cũng có thể có được, có thể theo đuổi. Thành công chỉ đến với
những người dám nghĩ và dám làm.
Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe nói đến Copernicus là người
đưa ra học thuyết trái đất quay xung quanh mặt trời còn Gallileo dám
mạnh dạn ủng hộ quan điểm này ngay cả khi chết với câu nói: "Dù sao thì
trái đất vẫn quay". Vào thời điểm đó, có thể ông là một trong những
người, thậm chí là người duy nhất dám vượt rào cản của cả hệ thống tư
duy thời bấy giờ khi tất cả đều thừa nhận mặt trời quay xung quanh trái
đất. Nếu không có tư duy vượt giới hạn cả về không gian và thời gian,
không dám theo đuổi ý tưởng của mình thì không biết đến bao giờ loài
người mới thoát khỏi ảo tưởng trái đất là trung tâm của vũ trụ.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, trong
một tổ chức và đối với những nhà quản lý, hoạch định chính sách. Ngoài
việc phải nỗ lực tìm kiếm ý tưởng, họ phải biết tạo dựng một môi trường
nuôi dưỡng ý tưởng, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với ý tưởng.
Việc tư duy theo lối mòn sẽ huỷ hoại thành công đã tạo dựng của bạn.
Bạn cần phải biết thay đổi. Phải biết rằng không có gì là tốt nhất. Có
thể điều gì đó với bạn lần này là tốt nhất nhưng lần sau sẽ tốt hơn. Và
lần sau nữa, điều đó còn tốt hơn nữa. Người Mỹ có câu nói nổi tiếng:
"Sống là để thay đổi".
Hẳn nhiều người trong chúng ta biết đến Michael Dell, người sáng lập
đồng thời là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn sản xuất máy tính nổi
tiếng thế giới Dell. Dell Computer được thành lập với số vốn ban đầu chỉ
1.000 USD và một ý tưởng chưa từng có: bán các chương trình trực tiếp
cho người tiêu dùng, bỏ qua khâu bán hàng trung gian, một điều mà không
hãng máy tính nào lúc đó làm. Kết quả là từ người cung cấp máy tính,
Công ty Dell chuyển sang sản xuất máy tính, chuyển sang tập đoàn Dell
hùng mạnh với khoảng 41.800 chi nhánh khắp thế giới và là nhà cung cấp
các dịch vụ và linh kiện máy tính đầu tiên cho các tập đoàn lớn nhất
trên thế giới.
Tư duy ngoài "chiếc hộp" là một khái niệm có ý nghĩa quan trọng, đặc
biệt trong thế giới hiện tại luôn thay đổi và các ý tưởng đang ngày càng
cạn kiệt hơn. Sẽ không quá khi nói rằng trên thế giới đang có cuộc
chiến về ý tưởng. Có thể vào thời điểm đưa ra, một ý tưởng bị coi là
điên rồ nhưng không chừng trong tương lai nó lại là cứu cánh cho cả tập
đoàn hay cả cuộc đời một người.
Và quan trọng nhất, bạn hãy biết trân trọng khả năng sáng tạo của mình. Đừng xây quanh mình "chiếc hộp" hạn chế tư duy.
Theo: VietNamNetJobs
No comments:
Post a Comment