Showing posts with label Doanh Nhan. Show all posts
Showing posts with label Doanh Nhan. Show all posts

04 November 2012

Từ đáy xã hội thành người giàu nhất Trung Quốc


42 tuổi vẫn còn nghèo rớt, nhưng 20 năm sau Zong Qinghou trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá hơn 20 tỷ USD.
Hơn 20 năm trước, khi Zong Qinghou 42 tuổi, ông thuộc dạng nghèo "rớt mồng tơi" và xoay xở kiếm sống bằng cách bán nước ngọt, kem que ở các cổng trường.
 
Zong Qinghou và con gái Kelly Zong, người sẽ thừa kế gia sản của Zong trong tương lai. Ảnh: AP
 
Thời gian đó, ông kiếm được khoảng 8 USD một tháng, thấp hơn cả mức lương của một phần ba dân số Trung Quốc. Thường xuyên cháy túi đến nỗi có lần ông phải ngủ bờ ngủ bụi vì không có tiền thuê nhà trọ.
Thế nhưng ngày nay khi đã 67 tuổi, Zong đã thành doanh nhân thành đạt, ông trùm ngành nước giải khát và là người giàu nhất tại Trung Quốc đại lục.
Tính đến tháng 10 này, tài sản của ông được Bloomberg định giá ở 20,1 tỷ USD, giàu thứ 30 thế giới.
Ngay cả tại một đất nước vừa trải qua thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, thì câu chuyện từ trắng tay thành giàu cự vạn như của Zong cũng được xem là kỳ tích.
Sinh năm 1945, thời trẻ của Zong trôi qua chủ yếu trên cánh đồng và không có nổi tấm bằng trung học.
"Trong một thời gian dài, tôi thường xuyên thiếu tiền mua cái ăn thứ mặc. Có thể nói tôi đã từ dưới đáy xã hội ngoi lên", Zong nói khi hồi tưởng về thời trẻ của mình.
Zong Qinghou cũng đã chứng kiến Cuộc Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông và dành nhiều thời gian nghiền ngẫm những quyển sách dạy cách cam chịu vượt qua khủng hoảng.
Đến khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và đẩy mạnh kinh tế thị trường, Zong Qinghou cho rằng đã đến lúc làm giàu.
Năm 1987, ông vay 22.000 USD từ họ hàng và cùng hai cộng sự mở một cửa hàng rau quả. Đây là bước khởi đầu của Zong để thành lập công ty Wahaha, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đồ uống sau này.
Trong năm đầu tiên, Zong thu về khoản lợi nhuận 15.991 USD, gấp 50 lần thu nhập bình quân đầu người thời gian đó.
Việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt trong hai thập kỷ rưỡi tiếp theo, vào thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng phi mã với tốc độ GDP mở rộng trên 10% mỗi năm. Công ty Wahaha của ông Zong đã thu hút lượng khách lớn nhờ việc tầng lớp nghèo ngày càng khấm khá.
Năm ngoái, Wahaha có doanh thu 11 tỷ USD, chiếm thị phần thứ 3 về đồ uống tại Trung Quốc, đứng sau Coca-Cola và thương hiệu Tingyi của Hong Kong.
Zong dự đoán lợi nhuận sẽ còn tăng trưởng 60% trong năm nay. Hiện Zong, vợ và con gái nắm giữ 80% cổ phần của công ty.
Giờ đây khi làm chủ tịch của tập đoàn nước giải khát Wahaha, Zong vẫn duy trì phong cách đạm bạc và nhất quán.
Ông thường ngủ nghỉ tại trụ sở chính của công ty đặt tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Triết Giang.
Mỗi buổi trưa, ông xuống căng tin dưới tầng một để dùng bữa, chọn món ăn như các công nhân của mình.
Người đi đường nếu không biết mặt Zong Qinghou thường không liếc ông đến lần thứ 2 vì tỷ phú giàu nhất Trung Quốc chẳng có gì nổi bật.
Không bao giờ có vệ sĩ, ông thường ra ngoài với một chiếc áo khoác màu tối, đi giày da trơn, tất cả đều là hàng nội địa.
Zong Qinghou chỉ mua giày mới khi ai đó nhắc rằng giày mình đã cũ. Thứ xa xỉ nhất trên người vị doanh nhân này là chiếc đồng hồ Vacheron Constantin giá 48.000 USD, ông mua để thay chiếc Rolex cũ.
"Nhiều người bảo tôi rằng Rolex chỉ dành cho nhà giàu mới nổi", ông cười cho biết.
"Khi còn nghèo, tôi luôn phải tìm cách vươn lên. Những kinh nghiệm đó giờ đây vẫn còn giúp ích tôi rất nhiều", ông chia sẻ với tờ Bloomberg.
Theo VnExpress

12 July 2012

Henry Ford - Cuộc đời và sự nghiệp của tôi

Theo Henry Ford: "Một người quyết đoán có thể thành công trong hầu hết mọi việc mà anh ta theo đuổi, nhưng nếu không đam mê những việc đó thì thành công cũng không còn mấy ý nghĩa".

Thông tin:

Tên sách: Henry Ford - Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Tôi

Tác giả: Henry Ford. - Dịch giả: Ngô Phương Hạng.



Giới thiệu về nội dung:

Henry Ford xuất bản cuốn sách Cuộc đời và Sự nghiệp của tôi năm 1922 kể lại toàn bộ sự nghiệp của ông trong việc thành lập Hãng Ford cũng như suy nghĩ của ông về nhiều vấn đề khác.

Trong cuốn sách, Henry Ford viết: Đam mê là một trong số ít những tài sản quý giá của con người. Một người quyết đoán có thể thành công trong hầu hết mọi việc mà anh ta theo đuổi, nhưng nếu không đam mê những việc đó thì thành công cũng không còn mấy ý nghĩa.

Ông đã chứng minh những lời mình nói bằng cả cuộc đời, bằng những thành tựu liên tục cho niềm đam mê của mình- sản xuất ô tô phục vụ đại chúng và bằng lý tưởng và nguyên tắc sản xuất phục vụ xã hội.

Henry Ford là người khởi xướng việc áp dụng dây chuyền lắp ráp công nghiệp để sản xuất sản phẩm với giá cả phải chăng nhất. “Thời đại của Ford” đã mở ra cuộc cách mạng trong sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới và còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh hiện đại.

Hãy khám phá “Thời đại của Ford” qua cuốn sách "Cuộc đời và sự nghiệp của tôi". Những lời cuối trong cuốn sách về khái niệm “giá trị sử dụng” chính là những lời khuyên mà ông muốn nói, rằng chúng ta đừng quá chú trọng vào việc dành dụm. Ông nói: “Đó không phải là “để dành” mỗi khi ta ngăn chính bản thân mình trở nên hữu ích hơn. Khi làm như vậy là tự ta đã lấy đi vốn liếng cuối cùng của mình; lấy đi giá trị của vốn đầu tư của tự nhiên.” Ưu tiên trau dồi khả năng suy nghĩ chính là đầu tư cho chính bạn, là điều luôn đem lại kết quả tốt nhất.


‘‘Đam mê là một trong số ít những tài sản quý giá nhất của con người. Một người quyết đoán có thể thành công trong hầu hết công việc mà anh ta theo đuổi. Nhưng nếu không đam mê, thì những thành công cũng chẳng còn mấy ý nghĩa.”
(Henry Ford)
Năm 1914, khi tuyên bố trả lương công nhật cho thợ tối thiểu là 5 USD và rút thời gian làm việc từ 9 giờ xuống còn 8 giờ/ngày, Henry Ford đã làm chấn động giới kinh doanh Hoa Kỳ. Nhiều người tiên đoán: Ông sẽ phá sản bởi sẽ có hàng ngàn công nhân tới xin việc, còn công nhân của hãng Ford sẽ tối mắt vì đồng lương quá cao mà sao nhãng công việc.

Thế nhưng Henry Ford lại lập luận rằng: Nếu chỉ người quét xưởng làm tròn phận sự của mình, anh ta có thể tiết kiệm cho chúng tôi 5 USD bằng cách nhặt nhạnh các vật thừa vương vãi dưới sàn, trong khi anh ta có thể đưa chúng vào sọt rác bằng nhát chổi tắc trách của mình.

Theo Henry Ford, giá bán đúng không phải là giá khách hàng phải trả; lương trả đúng không phải là mức lương tối thiểu người thợ phải nhận để sống. Giá bán đúng phải là giá thấp nhất của một sản phẩm được bán ra thường xuyên. Lương trả đúng phải là tiền lương cao nhất có thể trả. Phương châm của ông là: Người chỉ huy một hãng công nghiệp tư nhân có đủ tự do theo đuổi mục đích riêng của mình nhưng không được quên rằng dù muốn hay không, anh ta phải mang lại hạnh phúc cho người tiêu dùng!

Sau thời điểm năm 1914 đầy cam go, thử thách, hãng Ford đã khẳng định vị trí của mình trên thương trường Mỹ theo cái cách tư duy của Henry Ford. Năm 1918, một nửa số ôtô được sử dụng trên đất Mỹ là Model T của hãng Fofd. Loại xe này được yêu thích rất nhiều năm sau đó. Tới năm 1927, tổng số đã có 15 triệu chiếc Model T được đưa ra thị trường. Một kỷ lục tồn tại suốt 45 năm mới bị phá vỡ.

Năm 1922, Henry Ford đã cho xuất bản cuốn sách "Cuộc đời và sự nghiệp của tôi" kể về cuộc đời và suy nghĩ của ông trong việc bắt tay xây dựng hãng Ford. Sinh năm 1863 tại Bang Michigan trong một gia đình nông dân khá giả, Henry Ford đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho niềm đam mê là những cỗ máy ôtô.

Năm 1903, cùng với 11 nhà đầu tư khác và 28.000 USD tiền vốn, Henry Ford đã sáng lập lên một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Trong cuốn sách này Henry Ford cũng đã viết: ‘‘Đam mê là một trong số ít những tài sản quý giá nhất của con người. Một người quyết đoán có thể thành công trong hầu hết công việc mà anh ta theo đuổi. Nhưng nếu không đam mê, thì những thành công cũng chẳng còn mấy ý nghĩa.”

Sự đam mê đã dẫn dắt Henry Ford từ bỏ vị trí một người quản lý tại một công ty nhiều lương bổng để theo đuổi nền công nghiệp ôtô non trẻ nhiều rủi ro. Niềm đam mê cũng đưa ông trở nhà nhà tư bản đầu tiên đào tạo, sử dụng những người lao động tàn tật, nâng cao tiền lương cho công nhân, sản xuất và bán ôtô với giá rẻ nhất.

Niềm đam mê đó đã đưa Henry Ford trở thành một con người được tạp chí Forbes xếp hạng là người đứng đầu trong số 20 doanh nhân có ảnh hưởng nhất thời đại cùng với Nobel, Morgan, Rokerfeller…

Tấm gương làm giàu của Bà Đặng Thị Kim Oanh


Là người con xứ Huế từng bươn chải kiếm sống đến mức phá sản và đổ nợ. Vào Nam, bà Oanh đã gây dựng CTCP Địa ốc Kim Oanh thành một trong những địa chỉ phân phối dự án đất nền hàng đầu Bình Dương.

Trò chuyện với người phụ nữ đầy “chất”Huế này, chúng tôi nhận ra bà là người phụ nữ mạnh mẽ và hết lòng đam mê công việc.

Những ngã rẽ không tính trước

* Cơ duyên nào đưa bà đến với nghề kinh doanh địa ốc?

- Tôi là con gái út trong gia đình có 10 anh chị em. Nhà nghèo, lắm lúc phải ăn khoai mì thay cơm. Bố bệnh nên các anh chị em tôi phải tự bươn chải, phụ giúp mẹ. Có hôm tôi ngất xỉu tại trường học chỉ vì đói.

Năm 13 tuổi, tôi bỏ học đi làm thuê để phụ giúp gia đình. Năm 15 tuổi, tôi gánh gạo mỗi ngày 10 cây số ra chợ bán. Năm 20 tuổi, tôi lấy chồng. Ba năm sau đó, nhờ số tiền chắt chiu dành dụm, vợ chồng tôi mở một cơ sở bán vật liệu xây dựng và vật tư nông nghiệp.

Công việc kinh doanh tốt, tôi mở thêm đại lý gạo và một cửa hàng tạp hóa cũng lớn nhất, nhì ở Thừa Thiên - Huế dạo ấy. Có ngày nhập về cả 10 chuyến hàng lớn.

Việc buôn bán đang thuận lợi, nhưng do tuổi đời còn trẻ, khi ấy tôi mới 24 tuổi, và quá tin người, cửa hàng của tôi bị phá sản và đổ nợ 80 triệu đồng, là khoản tiền vô cùng lớn. Tài sản duy nhất còn lại lúc bấy giờ là chiếc xe Honda đời 67 mà lúc nào cũng lo bị người ta xiết nợ.

Lúc đó, tôi chẳng thiết sống nữa, nhưng chồng tôi động viên “còn người là còn của”. Thấy tôi trắng tay, nợ nần chồng chất, mẹ ruột tôi nghèo chỉ giúp mấy con heo làm vốn.

Cũng từ việc bán mấy con heo đó, hai vợ chồng nghĩ ra việc mua heo bán lại cho lò mổ. Nhờ công việc này mà một năm sau tôi trả được hết nợ. Hai năm sau nữa bắt đầu có khoản để dành. Nhưng không chịu nổi cảnh phải sát sinh mỗi ngày nên tôi quyết định bỏ nghề.

Tôi gửi lại 3 đứa con lớn ở quê, rồi cùng chồng và 2 đứa nhỏ vào Nam với 60 triệu đồng trong tay. Đó là số tiền dành dụm trong 2 năm, cộng với tiền sang lò mổ và vay ngân hàng.

Đến Sài Gòn, tôi thuê một ki-ốt nhỏ 30m2 ở Thủ Đức vừa để bán tạp hóa, vừa làm nhà ở. Dù cửa hàng nhỏ, nhưng tôi mua kệ về trưng bày gọn gàng như siêu thị mini. Tôi đi Chợ Lớn, chợ Tân Bình... để lấy hàng cho đa dạng và có giá tốt. Khách quen thì tôi tặng thêm sản phẩm, giao hàng tận nhà. Có lẽ có duyên với nghề buôn bán nên cửa hàng bán đắt.

Đầu năm 2004, tôi chuyển về Bình Dương. Vay mượn thêm, tôi mua được một mảnh đất khoảng 300m2. Nơi thưa người, chẳng biết làm gì nên tôi mở quán cà phê tại Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát. Tôi phải tự mình làm hết mọi việc, từ pha chế đến bưng bê.

Thời ấy, khu vực này hoang vắng, người môi giới không nhiều, chỉ có khách là chủ đầu tư thăm đất. Họ ghé quán để nghỉ chân và trao đổi thông tin. Trong số đó có nhiều người hỏi thăm thông tin đất đai, tôi biết gì thì chỉ đấy. Rồi cứ thế, vô tình tôi trở thành nhà môi giới lúc nào không hay.

* Và bà đã chọn đất đai làm “cái nghiệp”?

- Có lẽ tôi may mắn và có duyên với đất đai. Dạo ấy, giới thiệu cho khách thành công, tôi được từ 1 - 2 triệu đồng. Đến khi tôi mua lô đất 300m2, hẹn chủ đất thanh toán trong 4 tháng, nhưng rồi thị trường lên cơn sốt nên tôi lời được 50 triệu đồng, hai vợ chồng đếm tiền mà chân tay run rẩy như vừa tìm lại của bị mất.

Thời điểm ấy, thị trường bất động sản Bình Dương sôi động và có nhiều dự án mới. Thế là tôi mở một văn phòng giao dịch bất động sản nho nhỏ. Tôi tư vấn cho khách hàng rất nhiệt tình.

Giá cả cạnh tranh và lấy sự chân thật làm nền tảng nên văn phòng của tôi tạo được uy tín, phát triển nhanh. Đến tháng 4/2009, tôi chính thức thành lập Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh, trụ sở đặt tại lô J53, đường NE8, Mỹ Phước III, huyện Bến Cát.

Sản phẩm thật, giá thật

* Theo bà, khách hàng mong đợi phẩm chất gì ở những người làm bất động sản?

- Đó là tính trung thực. Sản phẩm như thế nào thì mình phải nói đúng như vậy. Ví dụ như chỗ họ muốn mua gần trung tâm, tôi nói là gần trung tâm. Còn nếu nó ở đối diện nơi xử lý nước thải thì mình cũng phải nói đúng như thế, không thể nói khác được. Nói thật sẽ tạo được sự tin tưởng nơi khách hàng.

* Giá trị cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của Công ty Kim Oanh là gì, thưa bà?


- “Sản phẩm thật, giá thật”. Công ty của tôi chủ yếu là bán sản phẩm đất nền. Tôi mua sỉ, bán lẻ nên bán được với mức giá tốt, thị trường ít ai có được. Dù không lời nhiều nhưng sản phẩm bán được nhiều.

Sản phẩm của Kim Oanh đa dạng, 150 triệu đồng là có thể mua được một miếng đất nền đẹp. Năm 2010, Kim Oanh có siêu thị đất nền. Gọi là siêu thị bởi sản phẩm đa dạng và mức giá tốt như người ta đi các siêu thị và tin tưởng vào mức giá đã định sẵn mà không phải sợ.

Năm 2011, tôi nâng cấp lên thành siêu thị địa ốc vì không chỉ có đất nền mà còn nhiều dự án nhà ở, nhà phố và phân phối cho một số đơn vị khác.

* Trong phân khúc đất nền, Kim Oanh là công ty phân phối lớn nhất Bình Dương hiện nay. Nhưng trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng liệu Công ty có gặp trở ngại?

- Thị trường năm 2008 khó khăn, nhưng công ty của tôi vẫn sống tốt, dù lợi nhuận không nhiều. Hệ thống của Kim Oanh ngày càng được mở rộng. Tính đến giờ, Công ty đã có 6 sàn giao dịch, 4 sàn ở Bình Dương và 2 sàn ở TP.HCM. Nhân sự cũng lên đến 300 người. Vốn điều lệ cũng tăng 250 tỷ đồng.

Trong thời điểm khó khăn, nhưng các sàn giao dịch của tôi vẫn đông khách, tập trung đông ở khu vực Bình Dương vì tôi có chính sách giá tốt và nhiều ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng.

Hơn nữa, phân khúc ở thị trường Bình Dương tốt vì cơ sở hạ tầng của tỉnh tốt hơn một số tỉnh khác mà tôi đã đi khảo sát. Tính từ tháng 8 đến giờ, tôi đã thành công với 4 dự án lớn. Riêng dự án Golden City, mới công bố mà đã bán gần hết lượng sản phẩm. Có người còn chọc tôi là “bỏ bùa” nên mới bán chạy như thế.

Gia đình - đích ngắm cuối cùng

* Cuộc đời bà đã trải qua nhiều thăng trầm, bà nghĩ gì về thành công hôm nay?

- Đến thời điểm này thì tạm gọi thành công, nhưng theo định hướng chiến lược của Công ty thì chúng tôi còn nhiều việc cần hoàn thiện hơn, nhất là dịch vụ và đầu tư dự án bất động sản.

Trong kinh doanh tôi luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, luôn làm cho họ hài lòng. Làm nghề này, không ai dám khẳng định mình là tốt được. Có những lý do khách quan không lường trước được khiến mình chậm trễ với khách hàng.

Dẫu sao, lỗi cũng thuộc về phía Công ty nên tôi phải nhận lỗi trước và có cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất. Có khách hàng đã từng phàn nàn, giờ thành người đồng hành của Kim Oanh.

* Thời gian rảnh bà thường làm gì?

- Tôi luôn bận bịu, hết việc này đến việc khác, chỉ khi nào mình muốn cắt việc thì tự mình cắt thôi. Một ngày mới của tôi bắt đầu từ 4g sáng, tôi đã quen như vậy. Thứ Bảy, Chủ nhật tôi càng bận, vì những ngày cuối tuần khách đến rất đông.

* Quên ăn, quên ngủ cũng vì công việc, liệu đó có phải là cách tận hưởng... cuộc sống của bà? Chồng bà có phàn nàn gì không?


- Tôi thấy mình có lỗi vì việc nhà chưa làm trọn vẹn. Ngày trước chồng tôi có trách móc, nhưng tôi chỉ muốn ôm hết mọi việc, không chia sẻ vì sợ làm anh ấy thêm mệt mỏi.

Lúc đầu anh không hiểu nhưng giờ thì anh ấy đã hỗ trợ tôi nhiều trong việc quản lý công ty. Tôi cũng đã hứa với chồng và các con là khi tìm được người quản lý và sắp xếp xong công việc công ty tôi sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

* Mong ước lớn nhất hiện giờ của bà là gì?

- Đó là thời gian cho gia đình và hoạt động từ thiện. Ngày còn bé, gia đình nghèo, thấy bạn bè cùng trang lứa có cuộc sống đầy đủ nên tôi nghĩ “nếu sau này giàu có, tôi sẽ giúp đỡ những người nghèo khổ như tôi”.

Trong quá trình làm việc, tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, tôi hiểu nỗi cơ cực của những người nghèo, những người kém may mắn trong xã hội nên tôi quyết tâm dù bận thế nào đi nữa, tôi cũng phải trích quỹ thời gian và ngân sách cho những hoạt động từ thiện.

Năm ngoái, tôi dành 2 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện. Nhưng dù có quyết tâm đến đâu, một mình tôi cũng không thể làm được nhiều mà cần có sự hỗ trợ từ nhân viên và các đối tác, khách hàng của mình.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!

Theo NGUYÊN HẰNG

16 June 2012

Đinh Khắc Tuấn: Từ giám đốc đi xe đạp đến doanh thu tiền tỷ


Dù doanh thu tầm 800 triệu đồng/tháng nhưng với Đinh Khắc Tuấn – Giám đốc Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN, việc trở thành người đi tiên phong trong ngành mới thực sự quan trọng.

29 tuổi, điều hành doanh nghiệp tương đối quy mô, chủ nhiệm một vài câu lạc bộ, chưa kể thời gian cho lớp học ngoại ngữ, tập yoga, khiêu vũ, luyện thanh,… tôi cứ ngỡ gặp được Tuấn sẽ chẳng dễ dàng gì. Nhưng chỉ sau một cuộc điện thoại, hai giờ sau tôi đã có mặt tại văn phòng công ty CNN với sự đón tiếp thân tình từ anh.

Năng động, thông minh, cởi mở là ấn tượng đầu tiên với bất cứ ai tiếp xúc với Đinh Khắc Tuấn.
Thấy anh lúc nào cũng rạng rỡ như chính biệt danh “Nụ cười tỏa sáng” mà bạn bè thường gọi, nhiều người cùng chung thắc mắc với tôi: “Hình như chưa bao giờ thấy anh buồn bã?”, “Vì sao anh luôn duy trì được trạng thái hưng phấn?”, “Anh lấy năng lượng từ đâu?”, Tuấn vui vẻ nói: “Có lúc buồn chứ. Tâm trạng con người giống như biểu đồ hình sin, lên xuống là chuyện bình thường. Nhưng khi tâm trạng trồi xuống, nếu tích cực tham gia các hoạt động, bạn sẽ thay đổi trạng thái nhanh hơn”. Anh tiết lộ: “Mình tập yoga 3 buổi/tuần, dancing vào tối Chủ nhật, lịch kín thế làm sao tinh thần sụt giảm được!? Mình nghĩ khi gặp những người có năng lượng tốt, họ sẽ truyền cảm hứng cho mình. Điều quan trọng, mình đã nghĩ khác. Bạn hình dung, khi một con người đã có một mục tiêu lớn và xác định rõ đường đi nước bước, biết rõ cuộc đời mình sẽ thế nào, tại sao bạn phải buồn?”
Quả thật, đối diện với Đinh Khắc Tuấn, chàng trai làm giám đốc khi mới 22 tuổi này, người đối diện cũng trở nên phấn chấn hơn bởi nguồn năng lượng được truyền sang từ anh. Ở bài viết này, tôi muốn giới thiệu tới độc giả chân dung con người mang trong mình nhiều hoài bão và nghị lực đó.
Những phi vụ kinh doanh đình đám
Là con út trong gia đình có 7 người con ở Hải Phòng, bố là giáo viên dạy toán, mẹ buôn bán ngoài chợ, Đinh Khắc Tuấn sớm bộc lộ khả năng kinh doanh của mình. Anh kể: “Còn nhớ lúc 4 tuổi mình đã mang thúng mẹt ra trước cửa ngồi bán bánh kẹo”. Nhưng chỉ khi bước vào năm thứ nhất Khoa tiếng Trung thuộc trường Đại học Ngoại Ngữ quận Thanh Xuân, Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), khả năng kinh doanh của anh mới bộc lộ rõ nét. 
Photo tạp chí nước ngoài mang bán
Năm 2001, internet chưa phổ biến như bây giờ, thậm chí còn rất ít người có máy tính. Ngoài những giờ trên giảng đường, sinh viên thường lên thư viện đọc sách hoặc truyền tay nhau những tờ báo in. Cầm trên tay cuốn tạp chí Trung Quốc, Tuấn và một người bạn bèn nảy ra ý tưởng sao thành nhiều bản mang bán cho các bạn. Giá bán của mỗi cuốn tạp chí photo là 10.000 đồng, trong khi giá photo tầm 2.000 đồng, đôi bạn vẫn còn những 8.000 đồng bỏ túi. Tuấn cho biết dịp đó anh cũng bán được tầm vài trăm cuốn.
"Buôn earphone cũng là một cái duyên"
Năm thứ hai, mặc dù rất bận rộn với việc học (Tuấn học hai ngành cùng một lúc là phiên dịch tiếng Trung và quản trị kinh doanh), nhưng hễ có cơ hội là anh lại tổ chức những phi vụ ngay trong trường. "Buôn earphone cũng là một cái duyên", Tuấn cho biết. Một lần, khi lang thang ở Chợ Sắt (Hải Phòng), Tuấn nhìn thấy những chiếc earphone second-hand của Nhật nhỏ gọn, dây mảnh nhưng dai, khi nằm ngủ vẫn có thể cho vào tai nghe nhạc, rất tiện dụng nên mua về dùng thử. 
Thấy hàng tốt, bền mà giá thành lại phải chăng nên bạn bè nhờ Tuấn mua hộ. Lần thứ nhất về quê Tuấn mua vài chục cái mọi người đều lấy hết. Lần thứ hai, Tuấn mua cả trăm cái bán vẫn chạy. Tuấn bắt đầu làm phép tính: mỗi phòng ký túc xá có 10 người, 1 dãy 10 phòng có 100 sinh viên nhân với 4 tầng đã có 400 người. Khu ký túc xá bên cạnh cũng có khoảng 500 sinh viên nữa, vị chi khách hàng tiềm năng có khoảng gần 1000 người. Thấy đây là một cơ  hội tốt, Tuấn bỏ ra mấy triệu đồng mua vài trăm chiếc earphone về bán cho toàn bộ sinh viên trong khu ký túc xá. 
Không dừng lại ở đây, Tuấn còn mang earphone bán cho sinh viên khoa tiếng Trung và khoa Quản trị Kinh doanh, rồi bán cho toàn bộ sinh viên các khoa tiếng Nga, Nhật, Hàn trong trường Đại học Hà Nội. Mỗi chiếc earphone giá 15.000 đồng được bán với giá 30.000 đồng, Tuấn vẫn lãi 15.000 đồng. Tất nhiên, Tuấn cũng xây dựng hệ thống phân phối khá bài bản và có chế độ hoa hồng rõ ràng cho những bạn muốn làm “đại lý”. Sau khi chiết khấu cho các “đại lý”, “phi vụ” này giúp Tuấn thu về 7-8 triệu đồng, một con số không nhỏ so với mức chi tiêu 400.000-500.000 đồng/tháng của các bạn sinh viên thời bấy giờ.
Kinh doanh từ điển tiếng Trung
Thấy Tuấn tổ chức buôn bán bài bản, năm thứ ba, một người bạn rủ anh kinh doanh từ điển tiếng Trung, ăn chia lợi nhuận. Với giá nhập khoảng 120.000 đồng/cuốn, Tuấn bán với giá 200.000 đồng, số tiền lãi kiếm được khiến anh tiêu xài khá “rủng rỉnh”.
Hình thức PR rất đơn giản. Biết trước được nhu cầu của các bạn sinh viên cần sử dụng từ điển, Tuấn đến gặp lớp trưởng các lớp giới thiệu về cuốn từ điển, rồi bảo họ đăng ký, nộp tiền trước hoặc đặt cọc. Đối với mỗi lớp trưởng Tuấn tặng luôn một cuốn hoặc bán giảm giá. Họ chủ động đứng ra thu tiền, còn Tuấn chỉ việc đến giao hàng và nhận tiền về. 
Những phi vụ làm ăn nổi tiếng một thời thực sự là chiếc bàn đạp giúp ích Tuấn xây dựng công ty về sau này.
Trở thành giám đốc đi... xe đạp
Ra trường tháng 6/2005, ngày 19/8 Đinh Khắc Tuấn nhận được giấy phép thành lập Công ty Dịch thuật Chuyên nghiệp CNN. Tôi mạnh dạn hỏi: “Vì sao anh dám mở công ty trong khi chưa có kinh nghiệm điều hành?”, anh hồn nhiên: “Làm gì có kinh nghiệm. Lúc đó mình nghĩ đơn giản lắm. Tuy nhiên, có hai điều thôi thúc mình: Thứ nhất, khi cộng tác cho một công ty dịch thuật, thấy mô hình của họ rất đơn giản và mình nghĩ người ta làm được mình cũng làm được, thậm chí có thể làm tốt hơn. Thứ hai, thời điểm tốt nghiệp khoa tiếng Trung mình vẫn đang học quản trị kinh doanh năm thứ hai. Mình nghĩ nếu đi làm thêm cũng mất nhiều thời gian. Mình mở công ty để vừa học, vừa làm và thực hành luôn những gì đã học”.
Với số tiền vỏn vẹn 15 triệu đồng vay của một người bạn bên Đài Loan cộng với 15 triệu đồng bạn cùng làm góp vốn. Tuấn thuê văn phòng hết 2 triệu (trả tiền nhà 3 tháng một lần), mua 2 dàn máy vi tính, bàn ghế cũng suýt soát 30 triệu. Thành thử, lúc ra trường, làm giám đốc nhưng Tuấn vẫn tiếp tục gắn bó với chiếc xe đạp. “Từ năm thứ nhất đến năm thứ tư mình toàn đi học bằng xe đạp. Lúc ra trường mở công ty, vẫn đi xe đạp thôi. Làm được một năm anh trai đi Pháp về chơi mới mua tặng chiếc xe máy”, Tuấn vui vẻ kể.
Dù là người duy nhất, lại là giám đốc đi xe đạp ở công ty, song CNN vẫn hoạt động khá chuyên nghiệp với 4 nhân viên dịch thuật, phòng ốc làm việc khang trang. Nhìn chung, công việc làm ăn của Tuấn cũng tương đối đông khách do ông chủ đã chú trọng đến việc tiếp thị dịch vụ trên Báo Rao Vặt, 1080, đặt biển quảng cáo ở những nơi có nhu cầu cao như đầu cổng trường ngoại ngữ,…
Nếu như trước đây, CNN chỉ có nhân viên dịch và giao bài, thì giờ đây các công việc đã được phân định rõ ràng. So với doanh thu những năm đầu khởi nghiệp vào khoảng hơn 100 triệu/tháng, đến nay doanh thu trung bình của CNN đã lên đến 800 triệu đồng/tháng. Kết quả đó không thể không nhắc tới tinh thần ham học và khả năng đào tạo, “truyền lửa” cho nhân viên của Tuấn. Quá trình vừa học, vừa làm việc, vừa trải nghiệm đó kéo dài khoảng 3-4 năm. Có năm, anh chi tới 250 triệu đồng cho các khóa học ở trong và ngoài nước. “Đến giờ Tuấn vẫn tiếp tục học nhưng sẽ học có chọn lọc hơn: học những gì mình thực sự cần thiết và ứng dụng được vào công việc”, anh cho biết.
Quyết tâm vươn ra ra biển lớn
Cái tên Đinh Khắc Tuấn đã trở nên khá nổi trong giới doanh nhân, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp. Anh Tuấn thường xuyên tham gia vào các diễn đàn và nhiệt tình tư vấn cho những người trẻ còn lúng túng khởi sự kinh doanh. Gần đây, Tuấn cũng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình như Đường đến thành công, Đường đến thành Rome, chia sẻ câu chuyện lập thân của mình. Với triết lý sống “Give and gain” (cho và nhận), năm 2010, Tuấn và một số người bạn sau khi đi học nước ngoài trở về đã thành lập ra CLB Millionaire House (Ngôi nhà triệu phú) với mong muốn trở thành cộng đồng triệu phú đôla có tẩm ảnh hưởng lớn ở Việt Nam và thế giới. Cũng từ chính ngôi nhà này, trên cương vị Chủ tịch, Tuấn đã chia sẻ cũng như thu lượm được nhiều điều bổ ích. Không xác định kiếm tiền từ CLB, nhưng cũng từ chính những mối quan hệ đó lại giúp anh nảy ra nhiều ý tưởng mới, ra tiền.
Anh Tuấn chụp chung với Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu tại một buổi chia sẻ sách của CLB.
Trước tình hình khó khăn chung như hiện nay, công việc kinh doanh của CNN không những co hẹp mà còn nở rộng. Tuấn phấn khởi: “Năm nay mình kinh doanh được hơn năm ngoái”. Về chiến lược chống khủng hoảng của mình, Tuấn chia sẻ: “Mình cơ cấu lại doanh nghiệp một chút sẽ nhìn thấy sự thay đổi. Thứ nhất, CNN giảm bớt nhân sự thừa, giữ lại những nhân sự cốt lõi. Thứ hai, mình đầu tư thêm cho marketing, mở rộng sản phẩm”.
Nói đến mở rộng sản phẩm, Tuấn tiết lộ vừa ký một hợp đồng thu âm lồng tiếng cho Vietnam Airlines. Hãng này sản xuất phim và thuê CNN thu âm lồng tiếng 8 ngôn ngữ khác nhau để quảng bá trên toàn cầu. “Thế giới là outsourcing (thuê lại nhân sự, công nghệ của nhau) mà, quan trọng mình phải chắc chắn về chất lượng dịch vụ và đứng ra đảm bảo với khách hàng là mình có thể làm được”.
Một điểm đặc biệt nữa là Tuấn luôn nhìn đối thủ của mình là những doanh nghiệp thuộc top 10 của thế giới. Tất nhiên, đó không phải là thái độ khinh suất đối thủ, mà Tuấn chỉ đặt cho mình những nấc thang cao hơn để có chiến lược dài hơi phấn đấu. Mục tiêu của Tuấn trong những năm tiếp theo là đưa CNN trở thành công ty toàn cầu, nhằm kiếm tiền không chỉ ở Việt Nam mà từ các nước khác trên thế giới. “Khi đi đầu trong lĩnh vực này, CNN sẽ là cầu nối ngôn ngữ để có điều kiện tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước”, anh nói thêm. 
Hiện Tuấn đang kêu gọi các nước thành lập Hiệp hội Dịch thuật châu Á. Hiện nay đã có Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Lào, Malaysia, Indonesia, Campuchia đồng ý tham gia. Tuấn là người phụ trách mảng marketing cho hiệp hội. Anh cho biết: "Sau này, khi có một vị trí nào đó trong hội, mình sẽ có cơ hội để phát triển, giao lưu với các nước. Lúc đó mục tiêu vươn ra thế giới, đưa CNN trở thành doanh nghiệp toàn cầu sẽ sớm hoàn thành".
Theo TTVN

Chung Ju-Yung: Biến điều không thể thành có thể

Từ những thất bại cay đắng nhất thời trai trẻ, vượt lên những khó khăn, đương đầu với thử thách, biến điều không thể thành hiện thực, Chung Ju-Yung - người sáng lập tập đoàn Huyndai - đã góp phần đưa một Hàn Quốc chiến tranh triền miên, khí hậu khắc nghiệt trở thành một nền kinh tế vững mạnh đáng khâm phục.
Ý chí tiến thủ và niềm tin của một người nông dân chính là chìa khóa để làm nên những kỳ tích đó. Dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội nguồn để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào. Cuộc đời và những quyết tâm đổi mới kinh tế của Chung Ju-Yung đáng để cho bất kỳ quốc gia nào muốn thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu học hỏi.
Tuổi thơ và ba cuộc trốn chạy
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê Asan nghèo khó, trong một gia đình nông dân đông anh em, quanh năm cần cù lao động cũng chỉ đủ ăn, tuổi thơ của Chung Ju-Yung gắn liền với chế độ thống trị của Nhật Bản, nhân dân Hàn Quốc lúc đó sống trong cảnh dè sẻn "sáng cơm, tối cháo" từng ngày.
Asan là vùng quê khí hậu khắc nghiệt: mùa khô thì hạn hán như muốn đốt cháy tất cả, mùa mưa thì mang đến những trận hồng thủy, mùa đông thì dìm tất cả ngập trong tuyết. Tuyết rơi dày hơn một mét, có khi đến hai mét, người dân phải đào đường hầm mà đi. Chỉ cần mưa đến muộn một chút vào mùa xuân, hay một cơn mưa đá trong mùa hè hoặc sương muối sớm vào mùa thu là cả năm mất mùa.
Ông Chung Ju-Yung. Ảnh: wiki
Mười bốn tuổi Chung Ju-Yung tốt nghiệp tiểu học, ngay lúc ấy giấc mơ học tiếp để trở thành thầy giáo tiểu học đã ấp ủ trong đầu ông. Người cha thì luôn muốn con trai trở thành một nông dân giỏi, nhưng ông chỉ muốn thoát khỏi vùng quê nghèo đó, dù làm công nhân nhà máy cũng chẳng sướng hơn làm một nông dân. Thế là ý chí thúc giục ông lên thủ đô Seoul, tự học, vượt qua kỳ thi để trở thành một luật sư như những gì ông đọc được trong một trong báo.
Lần đầu tiên cùng một người bạn trốn nhà đi, đường lên thành phố khá xa nên ông phải đi xin cơm. Vận may đến với ông và người bạn khi họ được nhận làm công nhân xây dựng đường xe lửa Bình Nhưỡng - Gowon. Ý đồ gom góp tiền đi Seoul chưa thành thì cha ông tìm thấy và đưa về. Trở về nhà nhưng ông vẫn bực tức trong lòng: "Những đồng tiền quý giá mà mình làm được chẳng là bao nhưng đó là công sức của chính mình. Nếu có thể cho mình tiếp tục công việc thì mình có đủ tự tin để khám phá cái thế giới mới mẻ và rộng lớn bao la này".
Lần thứ hai trong tay, ông lại bị một người đàn ông đứng tuổi lừa hết tiền. Cũng chính vì tin rằng ông ta sẽ kiếm cho mình một công việc trong khách sạn ở Seoul nên ông lại một lần nữa trắng tay. Sau chuyến đi 10 ngày ấy, ông lại bị một người bà con đưa về. Ông chấp nhận trở lại làm nông dân vì cảm thấy có lỗi khi làm cha đau lòng. Nhưng tâm trí ông chỉ hướng về Seoul, ý chí thoát nghèo trong ông vẫn không thay đổi.
Suy nghĩ kỹ lưỡng, lần thứ ba ông trộm 70 won bán bò của bố để lên Seoul học kế toán. Ông rất khâm phục Napoleon, người sinh ra trong một gia đình nghèo, nhờ tinh thần bất khuất, dũng cảm cuối cùng đã trở thành Hoàng đế Pháp. Ông cũng thấy tuổi thơ mình có nhiều nét giống Lincoln - xuất thân nông dân, rồi ra thành phố lao động và sau đó trở thành Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.
Mới học được hai tháng, bất ngờ người cha lại xuất hiện trước mặt ông, nhưng không giận cũng không mắng, cha ông chỉ nói vài lời: "Con phải nhớ con là một thằng nhà quê học hết cấp 1, ở Seoul người ta học hết trường Cao đẳng còn thất nghiệp đầy cả đống. Cha già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha, con mà bỏ mặc thì cả nhà sẽ thành bầy ăn mày". Lời cha cứa vào trong lòng ông, hình ảnh người mẹ và các em hiện lên trước mắt, nỗi buồn ngập tràn và ông đã khóc. Và ông lại thất bại trong chuyến đi lần này.
Ý chí có kiên cường, con người có mạnh mẽ thế nào, vẫn không vô tình và bỏ mặc những người thân yêu.
Từ khuân vác thành giám đốc
Sau ba lần lên Seoul không thành, Chung Ju-Yung vẫn không từ bỏ giấc mơ thoát khỏi cái nghèo khổ của vùng quê heo hút và khắc nghiệt ấy.
Dường như may mắn đã mỉm cười với ông trong lần thứ tư trốn nhà, ông xin được một chân khuân vác ở công trình xây dựng trường học Bosung (ĐH Hàn Quốc bây giờ).
Sau hai tháng tìm tòi công việc, ông trở thành nhân viên phân phối gạo lẻ cho của hàng gạo "Phục hưng Thương hội". Do có kiến thức kế toán học được trước đó, ông được chủ cửa hàng rất tin tưởng.
Sau 4 năm làm việc ở đây, sự kiên trì, say mê, cần cù, chịu khó, thật thà của Chung Ju-Yung đã khiến ông chủ Phục hưng Thương hội quyết định trao lại của hàng cho ông thay vì đứa con trai ông ăn chơi, trác táng của mình. Ông đổi tên cửa hàng thành "Kinh nhất Thương hội". Từ một kẻ không xu dính túi, Chung Ju-Yung đã có trong tay một cửa hàng phân phối gạo lớn khi mới 22 tuổi nhờ uy tín tích lũy được trong bốn năm trời.
Năm 1939 chiến tranh xảy ra, chế độ phân phối gạo được ban bố, tất cả các cửa hàng buôn bán gạo trong cả nước bị đóng cửa. Trước cú sốc lớn đó, ông vẫn vững lòng tin: nếu toàn tâm, toàn ý dốc sức thì bất cứ việc gì cũng có thể thành công.
Ông về quê mua cho cha thêm 660 mét vuông đất và biếu cha một khoản tiền vốn. Đầu năm sau, hoài bão làm giàu lại thôi thúc ông lên Seoul, mảnh đất mà người trượng phu có thể vật lộn với số mệnh.
Khi đang lang thang với số vốn ít ỏi, ông được một người bạn cho biết một nhà máy sửa chữa ôtô đang có ý định chuyển nhượng. Ông mù tịt về ôtô nhưng người bạn khẳng định nghành này cần ít vốn mà kiếm nhiều tiền, còn hứa sẽ tập hợp thợ giỏi cho ông, cần nhất là có 3.500 won để chuyển nhượng. Nhờ uy tín thời buôn bán gạo, ông vay được 3.000 won từ một người cho vay lãi mà không cần thế chấp, chỉ bằng uy tín. Gom góp cả vốn, vay và được hai người bạn giúp đỡ, ông có 5.000 won để tiếp quản nhà máy sửa chữa ô tô Ado Service vào năm 1940.
Ông bắt đầu công việc mới với tràn trề hy vọng. Mọi việc ban đầu đều trôi chảy, khách đến ngày càng đông. Nhưng không may, một buổi sáng, một công nhân sơ ý để dầu bén lửa trong khi rửa tay khiến cả nhà máy bốc cháy, trong đó có cả những chiếc xe đắt tiền vừa sửa xong của khách. Tất cả thành tro bụi, ông đứng trước nguy cơ phá sản, nợ chồng chất.
Ông lại tìm đến người cho vay nặng lãi, không phải để trả nợ mà là vay thêm, vẫn không thế chấp cái gì ngoài uy tín. Ông nhanh chóng xây dựng lại nhà máy, công việc ngày càng nhiều, làm cả ngày lẫn đêm. Ông cũng làm việc như một công nhân. Cạnh tranh với các xưởng sửa chữa hàng đầu trong thành phố thời đó, ông đề ra tiêu chí sửa nhanh gấp 2 - 3 lần. Vì thế mà xe hơi của thành phố Seoul cứ ùn ùn kéo về xưởng của ông.
Ông mở rộng mặt bằng, tìm thêm khách hàng: người ngoại quốc, quân đội, ngoại thành... Bản thân ông dần nắm vững mọi nguyên lí hoạt động của tất cả các loại máy móc, xe cộ. Và Công ty công nghiệp xe hơi Huyndai ra đời ngày 25/5/1947, ông là giám đốc.
Người ta khi thành công thì nghĩ là do may mắn, còn khi công việc không suôn sẻ thì lại đổ cho là không may. Nhưng đối với Chung Ju-Yung thì: "Một người không tin là có vận xấu, người đó sẽ không có vận xấu. Mọi thứ đều quân bình, vận may rủi đều đến với con người như nhau. Quan trọng nhất là phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ".
Ý tưởng độc đáo, tự tin vào chính mình
Chiến tranh với Nhật ngày càng khốc liệt buộc ông phải sát nhập, rồi nhượng lại công ty cho người khác. Bắt đầu lại từ số không, ông xin vào làm ở xưởng chế luyện Choksan và chờ đợi cơ hội.
Ông dần khôi phục lại công ty của mình. Một lần lên cơ quan hành chính nhận tiền, ông gặp các nhà thầu xây dựng. Ông nhận được 100 won thì họ lãnh mấy ngàn won - cũng một khoảng thời gian và công nhân như  nhau mà tiền công lại chênh lệch một trời một vực. Ngay lập tức ông treo thêm tấm biển "Công ty xây dựng cơ bản Huyndai". Ông trúng một hợp đồng sửa chữa trị giá 1.530.000 won ngay trong năm đầu tiên.
Có kinh nghiệm về xây dựng cơ bản, lại tự tin vào quyết định đúng đắn của mình, ông không thấy cái gì là khó khăn. Ông luôn tuân theo một nguyên tắc: "Tin tưởng 90 phần trăm sẽ thành và 10 phần trăm tự tin mình nhất định làm được".
Nhưng cuộc sống chẳng khi nào có thể đoán trước, chính trị lại chi phối tất cả, nhất là trong thời chiến tranh loạn lạc. Hỗn loạn 25/6 nổ ra, ông cùng em trai phải li tán gia đình.
Qua quen biết, ông nhận được một công trình của quân đội Mỹ. Dự án phủ xanh nghĩa trang của quân đồng minh trong mùa đông tuyết giá rất gấp về thời gian, ai cũng cho là không thể làm được. Vậy mà ông vẫn làm được hoàn hảo bằng cách mua cây lúa ở nơi khác, vận chuyển cả gốc về phủ lên. Dự án được hoàn thành còn ông được Tổng thống Mỹ Eisenhower khen hết lời.
Với công trình Koriong (cầu đường bộ bắc qua sông Hàn) sau đó, ông học được một bài học quan trọng là: "Việc học hỏi những người trẻ hơn, có địa vị thấp hơn mình những điều mà mình không biết, không có gì là xấu hổ". Ông đã học được rất nhiều từ các chuyên gia kiến trúc trẻ người Mỹ, từ thiết kế đến quản lý chất lượng công trình.
Chung Ju-Yung thu được thành công từ sửa chữa ôtô đến xây dựng nhà ở, cầu đường, những lĩnh vực khó khăn cần ý tưởng và kinh nghiệm cũng như sự sáng suốt. Đối với thành bại trong đời, ông quan niệm chìa khoá chính là hành động và thời gian. Cũng chính phương trâm này đã giúp ông cạnh tranh được với các công ty xây dựng nước ngoài.
Trước sự ngạc nhiên của người thân và công nhân, ông lại có thêm một quyết định táo bạo là chuyển sang lĩnh vực đóng tàu. Là người luôn tìm tòi cái mới, ông coi "cái gọi là đóng tàu nào có khác việc xây dựng là mấy". Việc cắt thép ra, hàn lại và đặt máy lên, tất cả chẳng phải là những việc ông vẫn thường làm đó sao? Suy nghĩ của ông biến mọi thứ từ phức tạp thành giản đơn, từ khó trở thành dễ.
Thế là công ty đóng tàu Huyndai tại Ulsan ra đời và phát triển như vũ bão. Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, công ty của ông là công ty đóng tàu lớn nhất thế giới.
"Doanh nghiệp Hàn Quốc và nền kinh tế Hàn Quốc phát triển như ngày hôm nay là dựa vào ý chí bất khuất của con người sáng tạo, vào tinh thần tiến thủ, sự cống hiến hết sức mình của tầng lớp công nhân cần cù và ưu tú. Tất cả chỉ bằng sức người".
Biến đổi lịch sử
Ngắm cánh đồng rộng lớn mà cha khai hoang trên núi Sosan, ông cảm thấy tinh thần tiến thủ của cha đang ngấm vào mình. Tính cần cù của cha mẹ là bài học quý giá của cuộc đời ông, là di sản nền tảng biến ông thành con người thành đạt đến thế.
Ông Chung Ju-Yung. Ảnh: wiki
Tình cảm của cha ông, cũng như những nông dân hiền lành và chất phác, dành cho đất, khao khát có được một mảnh đất của riêng mình, cũng ấp ủ trong Chung Ju-Yung ước muốn khai hoang đất đai. Với người Hàn Quốc, việc khẳng định và mở rộng đất đai trong hoàn cảnh dân số tăng cao và thiếu lương thực cũng là điều cực kỳ quan trọng.
Giấc mơ biến vùng biển lồi lõm phía Tây Nam thành đồng bằng đã nhen nhóm trong ông từ thửa ấu thơ. Đây là công trình dân sự lớn nhất cho đến năm 1983. Vùng biển này nổi tiếng nguy hiểm bởi đá ngầm và nước mạnh, tốc độ nước đến 6m/s, khiến những tảng đá to bằng xe hơi vừa ném xuống đã tức khắc biến mất.
Chính trong khó khăn, con người sẽ nảy sinh sáng tạo: ông dùng đến sự trợ giúp của những chiếc tàu chở dầu nặng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m. Phương pháp này tiết kiệm được 29 tỷ won. Ông đã phải đục lỗ những tảng đá 4-5 tấn, lấy dây sắt cột 2-3 tảng vào với nhau rồi dùng phà ném xuống. Với công trình hơn đê chắn thủy triều dài 6.400m này, Chung Ju-Yung đã mang lại cho Hàn Quốc hơn 100 triệu mét vuông đất nông nghiệp.
Sau đó ông tiếp tục khử mặn đất trong vòng 7 năm và bắt tay trồng thử nghiệm 13 giống lúa ở các khu vực khác nhau. Ông ôm giấc mơ biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực nhiều hơn cả Califonia (nơi sản xuất lương thực lớn nhất nước Mỹ).
Năm 1988, khu vực khai hoang Sosan đã lột xác thành mảnh đất nông nghiệp cơ khí hóa với quy mô lớn. Ngoài hiệu quả trực tiếp là mở rộng lãnh thổ và tăng thêm nguồn lương thực, nó còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 6,6 triệu người mỗi năm.
Ông đã biến giấc mơ của cha có đất rộng như biển thành hiện thực. Ý tưởng khai hoang mở rộng đất đai và kiến thiết đắp đê chắn thủy triều của Chung Ju-Yung còn được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng.

Con đường kinh tế lấy dân sự làm chủ đạo
Theo Chung Ju-Yung: "Cái gọi là kinh tế dân sự có thể hoàn thành khi tất cả người dân bắt đầu từ Chính phủ và doanh nghiệp tự nhận biết trách nhiệm và vai trò của mình, có ý chí vững vàng để thành công trong việc hiện đại hóa xã hội và kinh tế". Mô hình lấy dân sự làm chủ đạo không phải là doanh nghiệp làm hết việc của Chính phủ, không phải doanh nhân giải quyết công việc của Chính phủ, hay Chính phủ hoàn toàn không can dự vào việc của doanh nhân, nhưng việc Chính phủ can thiệp và tham gia quá sâu vào công việc của doanh nghiệp không phép được tồn tại nữa.
Quản lý toàn bộ nền kinh tế đất nước và lựa chọn chính sách là do Chính phủ thực hiện. Điều chỉnh công nghiệp, xây dựng xã hội chính là chức năng của Chính phủ. Chính vì vậy, Chính phủ không phải chịu trách nhiệm với những doanh nghiệp tiêu cực, cũng chẳng có việc ngân hàng phải lo tiếp nhận hàng loạt các doanh nghiệp tiêu cực. Có vậy kinh tế quốc gia mới phát triển lành mạnh.
Điều quan trọng là Chính phủ đưa ra phương hướng phát triển kinh tế quốc dân, tạo ra dòng chảy hướng tới tương lai, tăng thêm vốn nhà nước, tài sản chung, đường xá, cảng...Việc cần làm là không kể hết.

“Gót chân Achilles” của nữ Chủ tịch Vinamilk

Được biết đến là một nữ lãnh đạo thành công không chỉ trong nước mà ở cả khu vực, nhưng vị nữ tướng của Vinamilk và công sự cũng có những sai lầm. Ở tuổi 59, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk vẫn đầy nhiệt huyết với công việc. Điều hành một trong những công ty lớn nhất Việt Nam cứ như lẽ tự nhiên và dường như chẳng có áp lực nào với nữ doanh nhân này.
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk: “Làm kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh”
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk: “Làm kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh”
Trả lời mọi câu hỏi của cánh phóng viên một cách thoải mái, không cần chuẩn bị nhưng vẫn đầy ắp thông tin và mạch lạc, chỉ có thể lý giải bằng một lý do: bà Liên quá hiểu nghề, hiểu kỹ và gắn bó sâu đậm với Vinamilk.

Chân dung nữ doanh nhân quyền lực
 
Tuần qua, cái tên Mai Kiều Liên lại được xướng lên một cách trân trọng khi lần đầu tiên, một doanh nhân Việt Nam đã vinh dự lọt vào danh sách 51 nhà lãnh đạo DN xuất sắc châu Á. Bà Liên được vinh danh trong cuộc bầu chọn do Tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á (Corporate Governance Asia) có trụ sở tại Hong Kong thực hiện.
 
Theo thông cáo từ Tạp chí này, nữ Tổng giám đốc Vinamilk đạt Giải thưởng Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2012 do đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh doanh của Vinamilk, đã phát huy trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và nỗ lực nâng cao các tiêu chuẩn thực hành quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam.
 
Đầu năm nay, bà Mai Kiều Liên cũng là doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Tạp chí nổi tiếng Forbes bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Tiêu chí “quyền lực” của Tạp chí Forbes đối với danh sách này là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như ý tưởng, năng lực, khả năng lãnh đạo, đặc biệt quy mô doanh nghiệp họ điều hành, doanh thu ít nhất cũng phải đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm.
 
Bà Mai Kiều Liên làm việc tại Vinamilk từ năm 1976 và đã tại nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty trong suốt 20 năm qua.  Trong 5 năm trở lại đây, Vinamilk bất chấp khó khăn của nền kinh tế, mỗi năm vẫn đạt mức tăng trưởng 30%, doanh số của Công ty năm 2011 đạt hơn 1 tỷ USD và năm nay dự kiến đạt 28.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, dự kiến năm 2017 sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Cánh phóng viên ấn tượng về nữ doanh nhân này từ những ngày bà từ chối ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương). Bà nói làm kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh. Ở một công ty lớn, cái sự căng thẳng do vậy càng lớn hơn, nhưng nghiệp của bà là gắn với bận rộn, lo toan ở DN.
 
Chiến lược kinh doanh: Chọn sức mua làm gốc rễ
 
Một buổi sáng mùa hè, hơn 3 giờ đồng hồ trò chuyện của chúng tôi với nữ doanh nhân này trôi qua rất nhanh, nhanh bởi câu chuyện đầy ắp thông tin và cách trả lời rất dứt khoát, rất thuyết phục của bà. Thị phần của Vinamilk tăng mạnh và vượt trên các đối thủ nhờ sự thay đổi về phương thức quản lý kinh doanh trong 5 năm trở lại đây: không sản xuất, mua đứt bán đoạn để các đại lý làm mưa làm gió giá sữa, mà phát triển và quản lý kênh phân phối đến tận các điểm lẻ để thống nhất giá cả đến tay người tiêu dùng. Bà chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm  mỗi một đơn vị sữa lấy lợi nhuận thấp thôi, nhưng bán được nhiều thì sẽ có lợi nhuận lớn. Bao nhiêu năm nay, từ khi thành lập đến giờ, Vinamilk vẫn quan niệm là đại trà, lấy chất lượng và sản lượng là quan trọng, bán giá cao mình cũng khó cạnh tranh mà cũng khó bán”.
 
Phát triển nhanh mạnh, nhưng quan điểm của bà Liên khiến cổ đông có thể hài lòng: tăng vốn phải gắn với tăng lợi nhuận và tăng vốn không lấy từ tiền túi của cổ đông. Vinamilk từ khi cổ phần hóa vốn là 1.700 tỷ đồng, đến nay là 5.557 tỷ đồng, tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ, chứ không để cổ đông nộp thêm tiền. Trong 3 năm gần đây, cổ tức của Vinamilk luôn duy trì mức 40%/năm. Bà Liên bảo, để lợi ích cao ngắn hạn, chia lợi nhuận ngay thì dễ, nhưng phải nhìn dài hạn. Có lẽ bởi vậy nên năm 2011, Vinamilk đã trả toàn bộ nợ ngân hàng và đến nay Công ty không vay nợ nhà băng một đồng nào. Hiếm có công ty nào đầu tư lớn, kinh doanh ngang ngửa tầm quốc tế lại chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu, bền vững như Vinamilk.
 
Phong cách dứt khoát và hiệu quả của bà Chủ tịch còn được thị trường biết tới qua việc Vinamilk sẵn sàng chi các khoản lớn để kêu gọi những nhân sự trình độ cao về làm việc. Ông  Trần Bảo Minh, một bậc thầy về maketing, từng đảm nhận làm các chức vụ cao cấp tại PepsiCo… đã từ chối môi trường làm việc hấp dẫn nhất thế giới, tại đại bản doanh của PepsiCo ở Mỹ để về đầu quân cho Vinamilk.
 
Hỏi về chính sách lương của Vinamilk, bà Liên chia sẻ: “Chúng tôi thuê một tổ chức độc lập thứ ba, một công ty của Mỹ, họ chuyên về lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng. Họ khảo sát cho chúng tôi 10 công ty đa quốc gia có doanh số và quy mô như Vinamilk và đưa cho chúng tôi xem lương trả như thế nào, các chế độ đãi ngộ ra sao. Lợi nhuận của họ không bằng chúng tôi. Chúng tôi có thể trả được bằng họ, nhưng trước mắt là trả một nửa và thực hiện từ từ”. Điều đó có nghĩa là chế độ đãi ngộ nhân tài tại Vinamilk, một doanh nghiệp đặc sệt Việt Nam, không hề thua kém các công ty đa quốc gia. Kết quả của chính sách quản trị nhân sự đúng đắn và tầm nhìn xa của bà chủ tịch thể hiện ở doanh số của Vinamilk luôn duy trì tăng trưởng ở mức rất cao 40 - 50%/năm.
 
Gót chân Achilles 
 
Nói vậy, nhưng bà Liên và các cộng sự cũng có những sai lầm. Vinamilk từng chịu ảnh hưởng và cũng bị cuốn theo phong trào kinh doanh đa ngành nghề với những kế hoạch mở rộng sản xuất bia, cà phê… Song bà Liên đã sớm nhận ra sai lầm: “Tôi vốn có tính dứt khoát, thấy sai là sửa ngay và sửa nhanh. Vinamilk sau đó bán cổ phần trong liên doanh sản xuất bia cho đối tác, bán lại Nhà máy cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên. Số thiệt hại không đáng kể. Giờ Công ty chỉ đi theo một con đường: sản xuất sữa và các loại nước uống có lợi cho sức khoẻ”.
 
Hỏi bà Chủ tịch, khi chèo lái một con thuyền lớn, bà có chịu nhiều áp lực không? Bà cười thoải mái và trả lời: “Nhiều người hỏi tôi câu này rồi. Bản thân tôi không thấy áp lực, mà cứ thấy việc nó đến, việc mình phải làm, trách nhiệm phải mang là đương nhiên. Nếu mình cứ nghĩ là áp lực thì sẽ rất nặng nề”. Nguyên tắc quản trị  cao nhất được người đứng đầu Vinamilk chia sẻ: “Đối với người lãnh đạo, quan trọng tập thể là một khối đoàn kết. Không ai say sưa với một công ty mà nội bộ không đoàn kết”.   
 
Một ngày làm việc của bà Liên thường bắt đầu từ rất sớm và bà chia sẻ rằng, ở Vinamilk, mọi công việc đều phải được xử lý rất nhanh. Bà kể: “Chúng tôi phân quyền rất rõ ràng, mỗi bộ phận có  giám đốc điều hành và họ được chủ động, toàn quyền xử lý mọi vấn đề liên quan. Chỉ khi có khó khăn, anh em mới cần xin ý kiến của tôi. Tôi xử lý cũng rất nhanh, trong vòng 1 ngày là phải có câu trả lời cho các bộ phận. Tôi làm việc qua thư điện tử là chủ yếu”.
 
Trong ngành sữa Việt Nam, Vinamilk là số 1, kinh doanh chắc chắn, hiệu quả, tài năng và nhiệt huyết của bà Liên đã chứng minh bằng thành công của Công ty. Chỉ có thể thấy “gót chân Achilles” của vị nữ doanh nhân này là bà chưa đào tạo được người kế nhiệm.
 
Ở bất kể công ty nào có vốn Nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp đều được yêu cầu xây dựng phương án quy hoạch nhân sự thay thế khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Trước thềm đại hội đồng cổ đông năm nay, vấn đề này cũng được đặt ra khi HĐQT cũ đã hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, vai trò và tầm quan trọng của bà Mai Kiều Liên quá lớn với doanh nghiệp, cũng như chưa thấy một ứng viên nào đủ để đảm đương thay bà, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã tin tưởng giới thiệu bà Liên tiếp tục đảm nhận nhiệm kỳ mới trên cương vị tư lệnh con tàu Vinamilk. Bà Liên là một trong rất ít người đại diện vốn Nhà nước (quá tuổi nghỉ hưu theo Luật Lao động) được tiếp tục giao trọng trách lớn.
 
Tài năng và nhiệt huyết của nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã thắng thế thời gian và vượt qua tuổi tác. Trong nhiệm kỳ mới, thách thức với doanh nhân Mai Kiều Liên có lẽ không nằm ở những con số doanh thu và lợi nhuận, mà chính là đào tạo người kế nhiệm bà tại Vinamilk.
 
Ket
1/. Bà nói làm kinh doanh là căng thẳng, ai không muốn căng thẳng thì đừng làm kinh doanh.  
2/. Bà Liên bảo, để lợi ích cao ngắn hạn, chia lợi nhuận ngay thì dễ, nhưng phải nhìn dài hạn.
3/.“Tôi vốn có tính dứt khoát, thấy sai là sửa ngay và sửa nhanh. 
4/.“Đối với người lãnh đạo, quan trọng tập thể là một khối đoàn kết. Không ai say sưa với một công ty mà nội bộ không đoàn kết”. 

15 June 2012

Công thức kiếm tiền của các nhà đầu tư “sừng sỏ”


Trong giới tài chính Mỹ, có những gương mặt sở hữu bí quyết gặt hái lợi nhuận đáng để các nhà đầu tư trên thế giới học tập.
Jim Rojers luôn nằm trong số những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới.
Trong cuốn sách mang tựa đề “The Big Win” (tạm dịch: “Chiến thắng lớn”) được xuất bản mới đây, nhà giao dịch Stephen Weiss đã điểm công thức thành công của những nhà đầu tư xuất sắc như vậy, từ nhà quản lý quỹ lừng danh Jim Rogers tới những nhà đầu tư ít nổi hơn nhưng cũng rất thành công như Renee Haugerud hay Lee Ainslee. Họ đều là thần tượng của Weiss.

Theo giới thiệu của trang CNBC, “nếu bạn muốn tạo ra được của cải, hãy hiểu cách mà những nhà đầu tư thông thái nhất trên thế giới làm điều đó”.

A. Alfred Taubman


Taubman là một trong những chủ đầu tư bất động sản thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông được xem là người đã phát minh ra mô hình khu mua sắm khép kín (enclosed shopping mall). Vào giữa thế kỷ 20, khi hầu hết các cửa hiệu đều đứng riêng lẻ, Taubman đã nảy ra những ý tưởng mới về thiết kế. Ông tin rằng ý tưởng của mình là hợp lý, nhưng ở thời điểm đó, không ít người xem ông là điên rồ. Hầu hết các khu mua sắm do Taubman xây dựng đều mang tông màu trắng sáng, cùng thiết kế trần nhà theo kiểu hình khối đương đại và giếng trời. Người mua sắm đổ xô đến các khu này. Công ty của Taubman hiện đang được niêm yết trên sàn NYSE, với giá trị vốn hóa chừng 4,5 tỷ USD.

Bài học: Hãy tìm tòi những cái “bất bình thường”, thậm chí cả khi những ý tưởng đó ban đầu có vẻ như xa vời.

Taubman có thể không bao giờ thành công như những gì ông có được ngày nay nếu ông không nảy ra ý tưởng về xây dựng các khu mua sắm khép kín. Bằng cách chú ý tới những điều khác lạ, ngoài khuôn mẫu đã giúp Taubman đạt tới thành công. Có thể bạn không “làm ăn lớn” như Taubman, nhưng bài học này hoàn toàn có ích với bạn. Đừng bỏ qua những ý tưởng mới cho tới khi bạn đã xem xét thật kỹ lưỡng. Đôi khi, những ý tưởng xa vời lúc đầu lại mở ra một lối nghĩ mới.

James Beeland Rogers, Jr.


Jim Rojers luôn nằm trong số những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới. Danh tiếng của ông bắt đầu nổi lên vào năm 1973 khi ông cùng với một nhà đầu tư lừng lẫy khác là George Soros đồng sáng lập quỹ Quantum Fund. Trong suốt 10 năm sau đó, giá trị danh mục đầu tư của Jim Rogers đã tăng 4.200%. Rogers còn được biết tới bởi sở thích phiêu lưu. Ông đã đi vòng quanh thế giới hai lần, một lần bằng xe motor vào thập niên 1990, và tiếp đó bằng một chiếc xe Mercedex trong thời gian từ 1999-2002. Sau khi tới thăm hơn 100 quốc gia, ông bán ngôi nhà ở thành phố New York vào năm 2007 và chuyển tới châu Á, với niềm tin rằng, thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc.

Bài học: Hãy khám phá, kiểm nghiệm và trải nghiệm. Trăm nghe không bằng một thấy.

Jim Rogers chuyển tới châu Á vì ông đã tận mắt chứng kiến châu Á đang trải qua một cuộc cách mạng tài chính tương tự như những gì đã diễn ra ở Mỹ hồi đầu thế kỳ 20. Để học tập Rogers, các nhà đầu tư trên thế giới không nhất thiết phải chuyển hết tới châu Á. Bài học rút ra từ thành công của huyền thoại này là các nhà đầu tư nên tự mình xem xét mọi vấn đề. Chẳng hạn, khi đầu tư dài hạn vào một công ty nào đó, cần tìm hiểu về công ty đó kỹ càng hơn là chỉ xem những thống kê tài chính. Hãy mua hàng hóa của công ty đó hoặc thử sử dụng dịch vụ của công ty đó. Hãy tới tận cửa hàng của công ty để xem xét, nói chuyện với nhân viên của công ty. Một doanh nghiệp tuyệt vời trên giấy có thể lại “không ra gì” trên thực tế.

Lee Ainslie


Ainslie là một “ngôi sao” trong cộng đồng quỹ đầu cơ. Ông là người sáng lập quỹ Maverick Capital và hiện đang quản lý khối tài sản trị giá khoảng 11 tỷ USD. Là một người chủ yếu giao dịch cổ phiếu, Ainslee tin rằng, việc tạo ra lợi nhuận và bảo toàn vốn là một quy trình chủ động chứ không phải là bị động. Phương châm đầu tư này của ông được thể hiện rõ nhất vào năm 2003 khi Maverick mua một lượng cổ phiếu lớn của công ty có tên Cogzinant với giá chưa đầy 5 USD/cổ phiếu. Ainslee giữ số cổ phiếu này cho tới tháng 7/2007. Nói cách khác, trong suốt thời gian 4 năm đó, ông luôn cảm thấy rót vốn vào Cogzinant là lựa chọn tốt nhất. Khi quỹ Maverick bán lại số cổ phiếu này, họ lãi gấp 8 lần, với số lãi lên tới nhiều trăm triệu USD.

Bài học: Hãy chăm sóc khoản đầu tư của bạn mỗi ngày như thể đó là ngày đầu tiên.

Ainslee thành công vì ông rà soát các ý tưởng đầu tư của mình mỗi ngày và tự hỏi bản thân xem liệu các khoản đầu tư đó có còn hợp lý. Trừ phi câu trả lời là “có”, ông sẽ thực hiện điều chỉnh. Các nhà đầu tư khác cũng có thể làm vậy, cho dù trên quy mô nhỏ hơn. Sau khi đã rót vốn vào đâu đó, đừng để danh mục của bạn cho bụi phủ. Hãy thường xuyên xem xét các khoản đầu tư để xác định xem niềm tin khi bạn rót vốn có còn xác thực.

Renee Haugerud


Tốt nghiệp đại học với tấm bằng lâm nghiệp, Haugerud thể hiện niềm đam mê với các loại hàng hóa cơ bản bằng cách trở thành một nhà giao dịch hàng hóa cơ bản sáng giá tại hãng Cargill. Sinh ra ở vùng Midwest, một khu vực nông nghiệp lớn của nước Mỹ, Haugerud hiểu rõ về mùa màng của các mặt hàng như ngô, lúa mỳ và các loại ngũ cốc khác. Bởi thế, bà có khả năng ít ai bì kịp trong việc đánh giá chu kỳ của các hàng hóa cơ bản. Hiện nay, Haugerud đang vận hành Galtere, một quỹ đầu cơ có trụ sở ở New York, quản lý tài sản nhiều tỷ USD.

Bài học: Hãy mua thứ gì mà bạn hiểu rõ.

Haugerud thành công vì bà làm việc trong đúng lĩnh vực mà bà có hiểu biết hơn người. Ai cũng có thể học cách giao dịch hàng hóa cơ bản, nhưng Haugerud còn hiểu về hàng hóa cơ bản cặn kẽ, vì bà là con gái của một nông dân. Ai cũng có một thế mạnh riêng nào đó và hãy sử dụng lợi thế của mình. Nếu bạn ham thích xe hơn, tại sao không phân bổ một phần vốn cho cổ phiếu ôtô. Nếu bạn là một “con nghiện” thời trang, tại sao không mua cổ phiếu của các hãng may mặc hoặc bán lẻ quần áo.
 
R. Donahue Peebles


Peebles là một chủ đầu tư bất động sản phất lên nhờ các dự án cải tạo một số khu vực ở Miami và thủ đô Washington của Mỹ. Khi còn nhỏ, Peebles đã đặt mục tiêu trở thành triệu phú khi 30 tuổi, và ông đã đạt mục tiêu này sớm hơn dự kiến. Là một người có đầu óc chính trị từ khi còn niên thiếu, năm 16 tuổi, Peeble đã trở thành một người giúp việc trong Quốc hội, sau đó là thực tập sinh và rồi nhân viên trợ lý. Trong thời gian làm việc ở đồi Capitol, Peebles học được tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân trong thương thảo làm ăn. Và khi ông bắt đầu bán bất động sản vào năm 1979, Peebles đã vận dụng những gì học được ở đồi Capitol vào lĩnh vực kinh doanh.

Bài học: Giữ tính nhân bản trong đầu tư.

Peebles thành công vì ông hiểu rằng, cho dù các con số và các hợp đồng dù quan trọng tới đâu thì mọi giao dịch đều bắt đầu với con người. Bài học từ Peebles rất đơn giản. Trong kỷ nguyên của thư điện tử, Internet và giao dịch trực tuyến, rất dễ để tránh những tương tác cá nhân. Tuy nhiên, đôi khi, một cuộc đối thoại theo kiểu truyền thông giữa hai bên lại có giá trị hơn tất cả những cách liên lạc trên cộng lại. Không chỉ giao tiếp giữa con người với con người cho phép bạn xây dựng một mạng lưới các mối liên lạc, mà giọng điệu trong cuộc đối thoại cũng có thể giúp bạn đi tới những quyết định chính xác.

Theo An Huy
Vneconomy

Những doanh nhân làm giàu từ tay trắng

CEO Wal-Mart từng đi bán báo và vắt sữa bò thuê trước khi trở thành người sáng lập chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới trong khi tỷ phú Abramovich quyết định bỏ học để đi bán hàng.

1. Sam Walton – Sáng lập Wal-Mart

Trước khi sáng lập tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, Sam Walton từng đi bán báo và vắt sữa bò thuê để kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ. Gia đình ông sống trong điền trang tại Oklahoma vào giai đoạn suy thoái những năm 1930.
Năm 26 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học Missouri với bằng cử nhân kinh tế, Sam đã dùng 5.000 USD tiền lương tiết kiệm từ khi nhập ngũ và vay bố vợ 20.000 đôla để mua chuỗi cửa hàng Ben Franklin tại bang Arkansas. Ngay sau đó, ông mở rộng và biến chúng thành gã khổng lồ Wal-Mart ngày nay cùng hệ thống cửa hàng Sam’s Club. Sam Walton qua đời năm 1992, để lại toàn bộ tài sản cho vợ cùng các con.

2. Tỷ phú dầu mỏ Roman Abramovich

Abramovich mồ côi mẹ khi mới 18 tháng tuổi. Cha cũng qua đời trong một tai nạn lao động khi ông mới lên 4. Sau đó, Abramovich được người chú cùng bà ngoại nuôi dưỡng, tuổi thơ của ông rất khó khăn.
Ngày còn trẻ, vị tỷ phú này rời đại học giữa chừng để theo đuổi đam mê kinh doanh với bước khởi nghiệp là bán vịt nhựa trong một căn hộ ở Moscow. Năm 1995, Abramovich giàu lên nhờ thâu tóm thành công hãng dầu lửa Nga Sibneft với giá hời. Sau đó ông tiếp tục mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực công nghiệp nặng như nhôm, thép… Hiện ông cũng là người sở hữu du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới.

3. Ingvar Kamprad – Sáng lập IKEA

CEO hãng đồ dùng gia đình số một thế giới IKEA sinh ra và lớn lên trong một nông trang thuộc vùng quê nhỏ. Tuy nhiên, ngay từ bé ông đã luôn thể hiện óc kinh doanh nhạy bén, chẳng hạn mua những món đồ phù hợp thị hiếu sử dụng của người dân quanh làng và bán lại cho họ. Sau này, Ingvar mở rộng thị phần sang các sản phẩm khác như cá, dịch vụ trang trí cây thông và bút viết.
Chưa thỏa mãn, Ingvar Kamprad quyết tâm đánh liều vay tiền bố để sáng lập công ty dịch vụ kinh doanh đặt hàng qua thư mà sau này trở thành thương hiệu IKEA lừng danh thế giới. Tới nay, IKEA lại đặc biệt nổi tiếng trong lĩnh vực đồ dùng gia đình, Ingvar cũng thuê các nhà sản xuất địa phương để giữ giá luôn ở mức phải chăng. Dù năm qua trị giá tài sản ròng của Ingvar sa sút đáng kể nhưng ông vẫn có tên trong danh sách người giàu nhất thế giới với 6 tỷ USD.

4. Leonardo Del Vecchio – CEO Ray-Bans và Oakleys

Ngay từ nhỏ, Del Vecchio phải sống trong trại trẻ mồ côi vì người mẹ góa không đủ khả năng nuôi dưỡng cả 5 người con, trong đó có ông. Sau này, ông xin vào làm công nhân cho một nhà máy sản xuất khuôn kính mắt tự động. Đây cũng là nơi Del Vecchio bị mất một phần ngón tay do tai nạn lao động.
Ở tuổi 23, ông đã kịp mở một cửa hiệu riêng chuyên bán kính mắt thời trang. Hiện tại, 2 thương hiệu Ray-Ban và Oakley do Leonardo Del Vecchio sở hữu có tới 6.000 chi nhánh trên khắp toàn cầu. Giá trị ròng tài sản của vị CEO này ước tính lên tới 10 tỷ USD.

5. Tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka-shing

Gia đình Li rời Trung Quốc sang Hong Kong vào năm 1940, sau đó cha qua đời vì bệnh lao khi Li mới 15 tuổi, khiến cậu bé phải bỏ học và đi kiếm tiền giúp gia đình. Công việc ông từng trải qua là làm túi và hoa nhựa để xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 1950, Li bắt đầu khởi nghiệp và thành lập công ty riêng thuộc lĩnh vực sản xuất nhựa. Sau này, ông có bước tiến dài hơn khi tiếp tục khai thác thị trường bất động sản, ngân hàng, viễn thông, vật liệu xây dựng, khách sạn… Hiện nay, Li được xem là người giàu nhất châu Á với tổng tài sản năm 2012 lên tới 25,5 tỷ USD.

6. Howard Schultz – CEO Starbucks

Khi còn nhỏ, Howard sống ở Brooklyn trong một gia đình khó khăn và ông luôn khao khát thoát khỏi cảnh nghèo. May mắn mỉm cười với Howard khi ông nhận học bổng vào Đại học Northern Michigan.
Sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân ngành truyền thông, Howard xin vào làm việc cho Công ty Xerox suốt 7 năm. Tới năm 1982, cuộc đời ông thay đổi khi được nhận vào Starbucks và thăng chức giám đốc điều hành 5 năm sau đó. Hiện nay, Starbucks có 16.000 chuỗi cửa hàng bán lẻ khắp thế giới, góp phần nâng trị giá tài sản của Howard lên 1,1 tỷ USD.

7. Sheldon Adelson – CEO Sands Hotel & Casino

Tuổi thơ của Adelson gắn với khu chung cư cũ kỹ, nhà có 6 người và tất cả ngủ chung trên một chiếc giường. Bố ông là người Lithuania, một quốc gia thuộc vùng Baltic, làm nghề lái taxi, còn mẹ đan len để bán. Adelson bắt đầu rao báo kiếm tiền phụ giúp gia đình từ khi mới 12 tuổi, vài năm sau ông chuyển sang vận hành các máy bán hàng tự động.
Adelson từng thử sức trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đóng gói xà phòng trong khách sạn cho tới môi giới vay nợ trả góp. Hiện tại, ông là CEO của hệ thống khách sạn – sòng bạc lớn nhất nước Mỹ Sands Hotel & Casino, đồng thời quản lý casino danh giá The Venetian, Las Vegas.
Tường Vi (theo Business Insider)

14 June 2012

4 tỷ phú bỏ học nói gì?

27 người mới chỉ học hết phổ thông và 36 người bỏ học đại học giữa chừng đã nằm trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ mà Forbes vừa công bố.

Theo số liệu của tạp chí này, có tới 63 người chưa từng tốt nghiệp đại học, chiếm hơn 15% trên tổng số 400 người có tên trong danh sách. Điều này cho thấy, tấm bằng đại học không hẳn là tiền đề để xây dựng một khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, việc học tập vẫn được các “bậc thầy” kinh tế này đánh giá bậc nhất trong việc tạo lập sự nghiệp.
Tỷ phú Sean Parker, chủ tịch mạng xã hội Facebook, một trong những người đã bỏ học chia sẻ: “Không nhất thiết phải học đại học, mà hãy sử dụng Google để học tập”.
Tỷ phú bỏ học Sean Parker
Nhà tỷ phú này sở hữu khối tài sản ròng 2,1 tỷ USD phát biểu thêm: “Một khi những công cụ tri thức và học tập tuyệt vời này đã có thể được tiếp cận trên toàn thế giới, việc học tập ở trường học ngày càng giảm bớt tầm quan trọng. Chúng ta có thể kỳ vọng ở sự nổi lên của một kiểu doanh nhân mới, nhưng người hấp thụ phần lớn sự hiểu biết của họ bằng con đường tự học”.
Dustin Moskovitz, cũng đã bỏ học giữa chừng tại Đại học Havard để cùng Mark Zuckerberg sáng lập nên Facebook. Tỷ phú sở hữu tài sản 3,5 tỷ USD bày tỏ quan điểm: “Bạn luôn có thể đi học trở lại”. Vì thế, một kế hoạch luôn dự sẵn cho nhà tỷ phú trẻ tuổi: “tôi có thể trở lại học ở Harvard bất kỳ lúc nào. Bạn bè của tôi có thể không còn ở đó. Tôi có thể phải bắt đầu lại các mối quan hệ. Đó là một rủi ro. Nhưng rủi ro đó là nhỏ nếu so sánh với cơ hội ở thời điểm đó”.
Nhà sáng lập Treasure Island Casino, tỷ phú Phil Ruffin lại có cách nói khác cho cùng một quan điểm: “Hãy tìm kiếm thứ gì là số 1”.
Khối tài sản 2,4 tỷ USD của Ruffin bắt đầu từ những công việc như đi bắt khỉ xổng chuồng, sau đó kinh doanh một chuỗi cửa hiệu, tiến tới là khách sạn và sòng bạc. “Lời khuyên của tôi cho những người trẻ tuổi ư? Hãy bỏ việc đi. Đừng làm thuê cho ai cả. Các bạn không thể kiếm tiền một cách thật sự nếu chỉ làm thuê cho ai đó”.
Đối với tỷ phú John Paul DeJoria, “Cần phải “dày mặt””, đó là kinh nghiệm làm nên thành công của ông.
Tỷ phú John Paul DeJoria
Tôi vẫn còn nhớ khi còn học phổ thông, vào ngày thứ sáu, khi vừa từ cơ quan trở về, mẹ tôi đã nói với tôi và anh trai mình rằng "Các con biết không, cả ba chúng ta chỉ còn 27 cents, nhưng chúng ta vẫn còn thức ăn trong tủ lạnh, một khu vườn nhỏ và chúng ta vẫn vui vẻ... chúng ta thật giàu có". Sụ lạc quan của người mẹ đã tạo động lực cho DeJoria.
Từng một thời phải đi gõ cửa từng nhà để bán dầu gội đầu, phải ngủ trong xe ôtô thay vì một chỗ ngủ đúng nghĩa nhưng niềm tin và động lực làm giàu không thay đổi trong ông. Đó là điều kỳ diệu giúp ông sáng lập nên hãng mỹ phẩm Paul Mitchell Systems, thương hiệu rượu tequila Petron và sở hữu khối tài sản 4 tỷ USD.
Tôi đã học được về tiếp thị và bán hàng từ việc gõ hàng trăm cánh cửa mỗi ngày. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, phải có 99 cánh cửa đóng sầm trước mặt bạn trước khi bạn bán được một sản phẩm”, đó là kinh nghiệm đầy ý nghĩa DeJoria chia sẻ với tất cả những ai muốn kinh doanh và làm giàu.

'Tướng' người Việt của IBM toàn cầu: Dám nghĩ dám làm mới có cơ hội

(DN) "Hãy suy nghĩ như một công dân toàn cầu nhưng hãy là một cá nhân có bản sắc", đó chính là chia sẻ đầy tâm huyết của ông Bùi Tiến Dũng, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh của Tập đoàn IBM.

Rời bàn làm việc, tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam
- Là người được đào tạo về kỹ thuật, cơ duyên nào đưa anh trở thành một thành viên trong bộ máy kinh doanh của IBM?
Khi mới vào Công ty IBM, tôi là một kỹ sư thiết kế điện tử làm việc thuần túy về kỹ thuật tại phòng thí nghiệm Rochester của IBM. Tuy nhiên sau một năm làm việc, tôi nhận thấy mình còn có khả năng thích hợp với lĩnh vực bán hàng và tiếp thị. Tôi đã xin chuyển qua làm về marketing và sales. Ngay sau khi tôi làm tốt ở vị trí bán hàng, tôi đã mạnh dạn nêu lên nguyện vọng được làm ở vị trí cao hơn. Sau 2 năm làm sales với kết quả khả quan, tôi được đưa lên làm quản trị và được chọn là "Sales Manager of The Year" (Giám đốc bán hàng tiêu biểu trong năm) của vùng Trung - Đông nước Mỹ. Sau đó tôi được đề cử đi làm Giám đốc marketing (Director of Marketing) tại trụ sở chính của IBM ở New York trong 3 năm. Kế tiếp tôi được thăng chức lên làm Phó Chủ tịch phụ trách phân khúc thị trường bậc trung (mid-market) của IBM ở Nam Mỹ. Đây cũng là cơ hội để tôi tích lũy thêm kinh nghiệm tại nhiều thị trường khác nhau. Sau gần 3 năm ở Nam Mỹ, tôi sang Tây Ban Nha để quản lý kinh doanh cho một phần thị trường IBM Âu Châu. Sau đó tôi trở về Mỹ đảm nhiệm các vị trí quản lý cao hơn ở các thị trường rộng hơn của IBM.
- Anh cũng là người dám nghĩ khác, làm khác, dám nêu ý kiến của mình?
Đúng. Ở các nước Âu Mỹ, tôi thấy việc này là bình thường. Mình phải chủ động, dám nghĩ và dám làm thì người ta mới trao cho mình cơ hội. Nhưng trước đó mình phải chứng tỏ là mình có khả năng làm việc hiệu quả.
- Anh là người sinh ra ở Việt Nam, lớn lên và đi làm tại Mỹ, bắt đầu từ vị trí nhân viên và hiện nay đã lên vị trí cao cấp Công ty IBM. Nhìn lại một chặng đường dài, với anh, đâu là những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp?
Cột mốc đầu tiên là trở thành nhân viên bán hàng. Chỉ khoảng hơn 1 năm sau tôi trở thành sales manager, khi đó tôi khoảng 30 tuổi. Người Việt ở nước ngoài thì thường thành công trong lĩnh vực kỹ thuật; còn tôi thì chọn lĩnh vực kinh doanh – một con đường ít người đi hơn lúc đó.
Cột mốc quan trọng thứ hai là khi tôi đi New York, làm cho IBM ở trụ sở chính. Tôi làm việc tốt và được thăng tiến lên vị trí Sales Executive rồi Director of Marketing… Từ vị trí này tôi còn phụ trách nhiều thị trường hơn ngoài thị trường Mỹ. Tôi nhớ khi IBM loan báo có người Việt Nam sẽ về phụ trách ở thị trường Nam Mỹ, nhiều người đã nói thẳng: sao lại để một người Việt phụ trách thị trường này? Tôi vui vì tên Việt Nam được nhắc đến và người Việt mình cũng đã có một chỗ đứng quan trọng, được nể trọng. Rồi dần dà tôi đã tạo được sự tin tưởng của những đồng nghiệp ở Nam Mỹ. Và nhiều người trong số này bây giờ đã trở thành bạn thân. Nhờ kết quả khả quan từ vị trí này, tôi tiếp tục luân chuyển sang những thị trường khác như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ… Từ đó tôi có nhiều cơ hội hiểu biết về văn hóa, xã hội ở từng nước và có một cái nhìn toàn cầu hơn.
- Anh nói mình đã làm việc hơn 30 năm ở IBM. Điều này là vì anh kiên định trên một con đường? Hay đó là… điểm yếu của anh - ngại thay đổi?
Ở IBM, môi trường làm việc rất tốt và tôi cũng thấy cũng có nhiều người gắn bó với công ty lâu dài. Làm việc ở đâu cũng vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là mình yêu thích công việc và có một lộ trình rõ ràng. Tôi cũng là một người chấp nhận thay đổi, nhưng thay đổi chủ động theo hướng tôi mong muốn. IBM là một công ty đa dạng nên có rất nhiều cơ hội luân chuyển làm những công việc khác nhau. Một điểm hay nữa ở IBM là khi tôi đề đạt nguyện vọng làm việc của mình, tôi được "sếp" lắng nghe và tạo điều kiện để tôi phát huy mọi khả năng của mình. Điều đó làm tôi cảm thấy phấn khích và càng dốc lòng cho công việc.
- Anh có nghĩ là mình may mắn?
Có chứ. May mắn là một phần, nhưng tôi nghĩ may mắn cũng phải do mình chủ động tạo ra chứ không thể ngồi chờ may mắn. Ở IBM, công ty rất chú tâm đào tạo nguồn nhân lực. Công ty cho mình cơ hội để phát triển. Đó cũng là một may mắn. Vấn đề là bản thân mỗi nhân viên phải nỗ lực hết sức thì khi đó người khác mới nhìn thấy được nỗ lực của mình, khả năng của mình, đề cử và tạo điều kiện cho mình phát huy tài năng. Ngoài ra, mình phải là người nhìn ra cơ hội và chủ động nắm bắt. Trong một môi trường làm việc luôn luôn có cạnh tranh, người giỏi phải là người đi trước.
- Anh có mất nhiều thời gian để thích nghi với những khác biệt văn hóa?
Thật ra thì cũng có chút lo lắng, hồi hộp lẫn phấn khích khi đến một môi trường mới, đất nước mới. Nhưng khi đến bất kỳ một đất nước nào thì tôi chỉ nghĩ đây là công việc và mình là người đại diện cho IBM đi làm việc ở những thị trường khác nhau. Và dù làm việc ở đâu thì khả năng làm việc vẫn là quyết định. Ngoài ra, việc hòa đồng, thân thiện với mọi người và hiểu biết văn hóa, lề lối làm việc ở địa phương là điều cần thiết để công việc được thuận lợi. Ở Nam Mỹ, cách họ suy nghĩ, giao tiếp khá tương đồng với người Việt Nam. Họ quan tâm đến cá nhân, gia đình và khi đã tạo được sự tin cậy thì mọi người cảm thấy thân thiện, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ nhau trong công việc. Có những nước ở châu Âu cũng như thế, nhưng cũng có nước thì cách làm việc có khác hơn: rõ ràng, minh bạch, công việc là công việc. Với người làm quản lý thì hiệu quả công việc là quan trọng, nhưng ngoài công việc, còn có bạn bè, những giá trị khác của cuộc sống. Nếu mình biết trân trọng thì sẽ có được những người bạn trong công việc lẫn trong cuộc sống.
- Theo anh, để những người Việt Nam thăng tiến trong công việc, vươn lên những vị trí cao cấp hơn thì những kỹ năng nào cần củng cố, phát huy?
Tôi nghĩ về năng lực, người Việt Nam không thua bất kỳ ai. Tuy nhiên có những kỹ năng mà người Việt cần trau dồi nhiều hơn như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày. Và đặc biệt, một khi đã làm việc trong một thế giới nhiều tương tác, chúng ta phải tập suy nghĩ rộng thêm, đừng để mình bị bó hẹp, đóng khuôn trong suy nghĩ. Tinh thần học hỏi, cầu thị là quan trọng. Đó chính là những yếu tố giúp mình thấy được những cơ hội mới và dễ dàng thành công hơn trong công việc.
- Gần đây khái niệm "công dân toàn cầu" được nhắc đến để chỉ những người được sinh ra ở một nơi, sống ở một nơi, làm việc ở một nơi và di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác; sống không thể thiếu điện thoại, internet… Anh có nghĩ anh là một công dân toàn cầu?
Về năng lực, người Việt Nam không thua bất kỳ ai. Tuy nhiên có những "kỹ năng mềm" mà người Việt cần trau dồi nhiều hơn
Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, của internet, của điện thoại di động và nó làm cuộc sống của mỗi người thay đổi rất nhiều. Mọi người có thể liên lạc với nhau liên tục và nắm bắt được mọi thông tin gần như tức thời. Tôi là một thành viên của Công ty IBM toàn cầu nên cũng làm việc liên tục và có khi không phân biệt giờ giấc của quốc gia này với quốc gia khác. Ở vị trí cao cấp thì đòi hỏi bạn phải suy nghĩ, tư duy toàn cầu. Tuy nhiên ngoài công việc, khi trở về nhà, tôi là người Việt Nam và tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện điều đó.
- Nếu có 3 thứ anh sẽ luôn luôn mang theo thì đó là gì?
Laptop, giấy tờ tùy thân, tiền (credit card).
- Thế còn điện thoại di động?
Ồ, tôi quên vì lúc nào cũng nghĩ nó là một phần của mình rồi. Đây là thứ không thể thiếu. Thật ra thì chỉ với một chiếc BlackBerry là đã giải quyết được rất nhiều công việc rồi, dù bất cứ ở đâu.
- Anh có bao giờ chủ động… ngưng nối kết, dù chỉ là một thời gian ngắn, đi nghỉ mát chẳng hạn?
Thực tế là không. Tôi nghĩ công việc là niềm vui. Khi nào mọi người đi làm và thấy đó là niềm vui thì sẽ làm việc với tinh thần hăng hái hơn nhiều.
- Anh có nói rằng "rời bàn làm việc, tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam". Anh có bao giờ nghĩ sẽ có ngày nào đó anh quay trở về Việt Nam sống và làm việc?
Năm ngoái tôi đã đưa gia đình về Việt Nam. Con gái tôi rất thích. Nó chụp rất nhiều hình ảnh về làng quê ông bà tổ tiên, con người và chia sẻ hình ảnh với bạn bè nó. Nó tự hào với gốc gác và bản sắc của mình. Tôi nghĩ dù mình là ai, làm việc ở đâu thì cũng nên tư duy toàn cầu nhưng đồng thời vẫn phải là một cá nhân có bản sắc.
Hiện tại tôi đang trở về Việt Nam để cùng của IBM giúp tìm hiểu thông tin, cơ hội phát triển ở Việt Nam. Năm 2008, IBM đã chọn Việt Nam là một trong những nước ưu tiên phát triển và những chuyến đi về Việt Nam của tôi lần này cũng nằm trong kế hoạch đó.
Tôi cũng mong muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam trau dồi thêm những kỹ năng mềm, kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp… Một lúc nào đó thuận tiện tôi sẽ làm việc này.
- Xin cảm ơn anh.


Warren Buffett lại “tham lam khi người khác sợ hãi”

Phát ngôn bất hủ “hãy tham lam khi người khác sợ hãi” của Warren Buffett lại được ứng dụng vào thực tế, khi hôm đầu tuần này (11/6), tập đoàn Berkshire Hathaway lại ký một đơn hàng máy bay tư nhân có giá trị lên tới 9,6 tỷ USD.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg,“nhà tiên tri” Omaha, tỷ phú huyền thoại Warren Buffett đang đặt cược vào đà phục hồi của thị trường máy bay tư nhân. Đây là đơn hàng thứ ba của ông trên mảng kinh doanh đang ế ẩm này trong vòng chưa đầy hai năm.

Trước đó, tháng 10/2010, tập đoàn của tỷ phú Buffett đã mua 125 máy bay Phenom của Embraer với giá 1,05 tỷ USD. Tiếp đó, tới tháng 3/2011, tập đoàn của tỷ phú Buffett đã ký một đơn hàng mua 120 máy bay Bombardier với trị giá 6,7 tỷ USD.

Hai thương vụ này được đánh giá là những điểm sáng hiếm hoi của ngành công nghiệp máy bay thương mại toàn cầu. Giá trị giao hàng của ngành này đã giảm 29% trong giai đoạn từ 2008 – 2011, theo báo cáo hồi tháng 4 vừa qua của hãng tư vấn Teal.

Việc mua thêm 425 máy bay từ nhà sản xuất Bombardier Inc. và hãng Cessna của Textron Inc. sẽ giúp thúc đẩy công ty con NetJets của Berkshire “đánh cược dài hạn vào nền kinh tế toàn cầu”, Giám đốc điều hành NetJets Jordan Hansell cho biết hôm 11/6.

Thời gian giao hàng sẽ bắt đầu từ bây giờ và kéo dài trong hai năm. Theo chuyên gia tư vấn Michel Merluzeau của Công ty G2 Solutions, "hiện là thời điểm thuận lợi để mua vào. Đây là một bằng chứng hữu ích về việc đoán trước chu kỳ thị trường".

Thương vụ này của NetJets gồm 275 máy bay Bombardier Challenger với 100 đơn đặt hàng cố định. Phần của Cessna là 150 chiếc Citation Latitude, trong đó 25 đơn hàng cố định. Bombardier bắt đầu giao hàng từ năm 2014 và Cessnas giao năm 2016.

"Với việc cẩn trọng chọn chỗ đứng và đưa ra quyết định ngay lúc này, chúng tôi chắc chắn sẽ có được vị thế cạnh tranh tốt", Giám đốc điều hành Hansell nói. Tổng giá trị đơn hàng 9,6 tỷ USD là dựa trên giá máy bay niêm yết, ông cho biết thêm.
Nguon: http://vneconomy.vn/2012061311325548P0C5/warren-buffett-lai-tham-lam-khi-nguoi-khac-so-hai.htm