Showing posts with label Kinh Te. Show all posts
Showing posts with label Kinh Te. Show all posts

27 June 2012

Kinh doanh thực phẩm sạch: Nguy cơ bị nước ngoài thâu tóm


(TNO) Sau những sự cố liên quan đến chất lượng thực phẩm, một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang lên kế hoạch xây dựng, mở rộng chuỗi kinh doanh, bán lẻ thực phẩm sạch.

DN nước ngoài: Đầu tư mạnh
Đáng chú ý nhất là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP). Sau gần 20 năm sang Việt Nam đầu tư ở lĩnh vực chăn nuôi, mới đây CP đã lên kế hoạch trong năm 2012 sẽ xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch.
Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam cho hay, kinh doanh thực phẩm sạch đang là xu hướng mới mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải nhắm đến. Để thực hiện tham vọng này, CP xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, cùng với việc phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín để hỗ trợ việc xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch này.

Thực phẩm sạch, an toàn đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: Trung Hiếu
CP cho biết công ty này sẽ hợp tác với những đối tác có mặt bằng đẹp để xây dựng cửa hàng. Công ty sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu và chỉ dẫn hình thức kinh doanh, bảo đảm, chế biến. Hiện CP đã thực hiện xong 30% của tổng số 10.000 cửa hàng.
Ông Chamnan Wangakkarangkul cũng thông tin, đây là bước đi cuối cùng trong việc khép kín quy trình kinh doanh, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng, mà CP đã thực hiện thành công tại Thái Lan.
Được biết, hiện CP đang chiếm khoảng 5% thị phần thịt heo, 30% thị phần thịt gà ở thị trường cả nước.
Ngoài CP, mới đây một số doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang khẩn trương xúc tiến tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm sạch. Mục tiêu mà các nhà đầu tư nước ngoài này hướng đến là sẽ xây dựng các chuỗi siêu thị, điểm bán lẻ thực phẩm an toàn ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương…
DN trong nước: Liên kết để tồn tại
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch là điều đã được dự báo. Thế mạnh của doanh nghiệp nước ngoài là có tiềm lực vốn mạnh, quy trình sản sản xuất khép kín từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến phân phối, bán lẻ.
Sự cố heo tạo nạc vừa rồi, người chăn nuôi trong nước kiệt quệ, còn người tiêu dùng hoang mang không biết dùng thực phẩm gì. Nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp nước ngoài lập tức xây dựng chuỗi thực phẩm sạch để cung cấp cho thị trường là điều không có gì lạ. Chỉ có điều, sau chăn nuôi thì kinh doanh mặt hàng này lại có nguy cơ rơi vào nhà đầu tư ngoại”, ông Công nói.

Liên kết khâu sản xuất, giết mổ là điểm yếu của doanh nghiệp trong nước - Ảnh: Trung Hiếu
Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) thừa nhận: thực lực kinh tế chưa cho phép doanh nghiệp trong nước xây dựng được hệ thống cửa hàng bài bản như doanh nghiệp nước ngoài. Bản thân DOFICO được đánh giá là một doanh nghiệp mạnh trong ngành thực phẩm, nhưng một năm cũng chỉ dám mở vài cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nhận định: nhiều sự cố về thực phẩm như vừa qua chính là cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch "ghi điểm". Hiện Vissan có 87 cửa hàng và trong năm nay sẽ phát triển lên 100 cửa hàng thực phẩm sạch.
Dù hoan nghênh việc CP mở nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng ông Mười cũng băn khoăn không hiểu cơ sở nào để trong một thời gian ngắn CP có thể mở được nhiều điểm như vậy.
“Trước đây CP công bố mở 100 cửa hàng bán thực phẩm sạch ở TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi triển khai khoảng 15 cửa hàng, công ty này ngừng lại. Sau đó, phần lớn cửa hàng đã mở cũng ngừng hoạt động”, ông Mười cho hay.
Theo ông Mười, không nên quá lo ngại về việc ngành chăn nuôi cũng như thực phẩm sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối, bởi mỗi doanh nghiệp có một chiến dịch cạnh tranh khác nhau. Tuy nhiên, điểm yếu của doanh nghiệp trong nước là chưa có sự khép kín giữa các khâu sản xuất, kinh doanh, trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại làm tốt điều này.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nhà nước cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, trong đó tập trung vào người chăn nuôi. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần phải có sự liên kết các khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối để tiết giảm chi phí thì mới có thể canh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Trung Hiếu

23 June 2012

Những câu hỏi cho nền kinh tế Việt Nam

Trong nền kinh tế quốc gia, người dân là khách hàng, là nhà đầu tư và các quan chức là người bán hàng. Mục tiêu là sự thỏa mãn của “Thượng Đế”. Ngoài việc làm cho túi tiền của dân càng ngày càng phồng to, bộ máy lãnh đạo phải tạo thương hiệu, hay “niềm tin” của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của mình. Ít nhất là họ phải tin rằng người bán sẽ giao đúng món hàng, đúng giờ và đúng giá…như lời hứa.
Khi nói chuyện kinh tế, nhiều chuyên gia thường lên giọng nghiêm túc và dùng những danh từ khó hiểu nhất pha lẫn những khẩu hiệu chánh trị rồi kèm theo những con số thường là do các nhóm lợi ích cung cấp để không ai thấy rõ những mục tiêu riêng của mình và phe nhóm. Thực ra, sự điều hành kinh tế của một quốc gia không khác gì việc điều hành một doanh nghiệp. Một nền kinh tế cũng cần doanh thu (thuế, hàng xuất khẩu, kiều hối…), vốn đầu tư (FDI, FII, dự trữ ngoại tệ, vốn vay..), chi phí (nhân sự, giá vốn hàng hóa hay dịch vụ, hậu cần…), lời hay lỗ (dòng tiền âm hay dương…), tài sản và nợ, thương hiệu (niềm tin và sự thỏa mãn của người dân), mức tăng trưởng v.v…
Do đó, chúng ta có thể đánh giá khả năng thành công hay thất bại của một nền kinh tế dựa trên những chỉ tiêu áp dụng cho doanh nghiệp. Khi họp để bàn về một dự án hay một doanh nghiệp, hội đồng thẩm định của quỹ đầu tư thường lưu ý đến 4 yếu tố then chốt trong vấn đề khả thi: sản phẩm hay dịch vụ; ban quản trị; kế hoạch tiếp thị và hiệu quả tài chánh.
Một quản lý quỹ thông minh thường biết bỏ qua những “gương và khói” (smoke and mirror), những hình thức đánh bóng hoành tráng để che đậy yếu kém và những chi tiết thực sự vô nghĩa với sự thành công của dự án. Các công dân có kiến thức và tầm nhìn cũng phải đánh giá một nền kinh tế thật chính xác, khoa học và cân bằng về hiệu quả của đồng tiền bỏ ra, qua thuế hay nợ công hay tiền in thêm (một hình thức thuế).
Einstein có nhắc chúng ta là “không ngừng đặt câu hỏi”. Sau đây là những câu hỏi của tôi, có thể thiếu sót, nhưng chắc chắn sẽ giúp tôi đánh giá tốt hơn cơ hội và rủi ro trong tương lai nền kinh tế xứ này.
1.      Sản phẩm hay dịch vụ trong mô hình kinh doanh
Như một doanh nghiệp, mỗi một quốc gia đều có thế mạnh cạnh tranh và đặc thù dân tộc trong những chủ đạo của nền kinh tế. Với yếu tố địa lý và dân số, Singapore đã thành công khi sử dụng dịch vụ tài chánh quốc tế cho xứ sở. Mỹ có mũi nhọn công nghệ cấp cao và thị trường tiêu thụ khủng; trong khi Trung Quốc dựa vào mô hình sản xuất công nghiệp thông dụng cho toàn cầu. Nhật có lợi thế của một văn hóa rất tổ chức để thâu tóm thị trường tiêu dùng chất lượng; trong khi Ấn Độ biết lợi dụng lượng dân số có học, biết Anh ngữ để dành phần thắng trong công nghệ phần mềm.
Việt Nam đang đổ tiền đầu tư nhiều nhất vào lãnh vực gì? Lãnh vực đó có sản phẩm hay dịch vụ gì đặc thù hay có lợi thế cạnh tranh gì trên thương trường quốc tế? Chúng ta đang đầu tư dàn trải và xu thời hay chuyên sâu và bền vững? Sự lựa chọn sản phẩm và dịch vụ có thông minh và sáng tạo hay ngu xuẩn và sao chép?
2.      Ban quản trị
Hai nhân tố quan trọng của nhà lãnh đạo là kiến thức và kinh nghiệm. Kiến thức đây không phải là bằng cấp, kiếm được từ trường lớp hay đi mua từ chợ, mà là một dòng suy tưởng và phân tích được bổ sung hàng ngày qua đám mây của nhân loại. Kinh nghiệm là những thành quả từ chiến trường thực sự, thua hay thắng, bằng công sức của chính mình và đội ngũ bao quanh.
Hai nhân tố trên sẽ giúp cho nhà lãnh đạo có một tầm nhìn xa, chính xác; cũng như một phán đoán sắc bén hơn khi trực diện những đòi hỏi của tình thế. Dĩ nhiên, lãnh đạo không thể đi xa hơn các nhân tài trong nhóm quản trị; giá trị thực của toàn đội ngũ cộng hưởng sẽ là vũ khí then chốt khi lâm trận.
Cho Việt Nam, ban quản trị kinh tế của chúng ta có hội tụ được những người giỏi nhất về kiến thức và kinh nghiệm để diều hành? Lãnh đạo có đủ tự tin để chiêu mộ những người tài giỏi hơn họ? Nhân sự lãnh đạo được tuyển chọn như thế nào, qua phe nhóm bè phái hay qua các kỹ năng và kinh nghiệm thực sự? Nhìn qua lý lịch và thành tích của 30 người quan trọng nhất đang diều khiển bộ máy kinh tế xứ này, người dân nhận định ra sao? Và vấn đề đạo đức? Chúng ta có nên bắt chước vài quốc gia đòi hỏi một liệt kê tài sản của các lãnh đạo và gia đình họ, trước và sau khi nắm quyền? Chúng ta có dám để những chuyên gia hay định chế độc lập phân tích và phán xét nhân sự và bộ máy điều hành?
3.      Kế hoạch tiếp thị
Một nhà hiền triết Trung Quốc dạy,” Muốn thống trị thiến hạ thì hãy phục vụ mọi người”. Phục vụ và đáp ứng được nhu cầu để khách hàng thỏa mãn là một kế hoạch tiếp thị thành công.Đây thực sự là một hành động liên tục, chứ không phải một vài khẩu hiệu khôn ngoan hay một cô người mẫu đẹp mắt trong một phút quảng cáo trên TV.
Trong nền kinh tế quốc gia, người dân là khách hàng, là nhà đầu tư và các quan chức là người bán hàng. Mục tiêu là sự thỏa mãn của “Thượng Đế”. Ngoài việc làm cho túi tiền của dân càng ngày càng phồng to, bộ máy lãnh đạo phải tạo thương hiệu, hay “niềm tin” của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của mình. Ít nhất là họ phải tin rằng người bán sẽ giao đúng món hàng, đúng giờ và đúng giá…như lời hứa.
Trong các dịch vụ của chánh phủ, quan trọng là công ăn việc làm, an ninh, y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa và bảo hiểm xã hội cho những người kém may mắn. Ngoài ra, một nhiệm vụ “mềm” nhưng cần thiết là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng với sự minh bạch, trung thực và sáng tạo.
Các lãnh đạo kinh tế ở Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu này chưa? Những người dân đang sinh hoạt hàng ngày có “tin” vào những giải pháp đề nghị, những dự án dài hạn, những thực thi luật lệ, những tiêu xài đa dạng của chánh phủ? Cụ thể hơn, họ có tin là chánh phủ đang làm tất cả để bảo đảm giá trị của đồng tiền VN, để khả năng thu nhập và mua sắm gia tăng đều đặn, để môi trường sống phù hợp với sức khỏe công cộng, để xã hội bớt bức xức về tệ nạn văn hoá?
4.      Hiệu quả tài chánh
Sau cùng, mọi nhà đầu tư đều muốn đồng tiền của mình được sử dụng hiệu quả và sinh lợi thương trực. Ngoài các con số về lợi nhuận và doanh thu, họ quan tâm nhất đến chỉ số hoàn trái (ROI: return on investment). Dù kế hoạch, ban quản trị, kỹ năng tiếp thị…có hay giỏi đến đâu, nhà đầu tư sẽ cho là vớ vẩn (Bull S.) nếu công ty liên tục thua lỗ.
Câu hỏi người dân thường đặt ra cho mọi chánh phủ là “trong nhiệm kỳ của ông hay bà, đời sống chúng tôi có khả quan hơn không?”. Về vật chất, về sức khỏe, về tinh thần, về tương lai con cái…tôi có nhiều hy vọng và lạc quan hơn không? Các ông bà đã đem tiền thuế, tiền nợ công, tiền các ông bà tự in ra…đầu tư vào những thứ gì và hiệu quả tài chánh của chúng là thế nào? Các ông bà tiêu xài trong tiết kiệm và cẩn trọng số tiền của chúng tôi hay thích đi xây những văn phòng hoành tráng, mua những siêu xe, mở những tiệc tùng liên tục.. để hưởng thụ?
Trong 10 dự án đầu tư thì luôn có một vài lỗ lã, nhưng nếu cả 10 đầu tư đều lỗ nặng thì không ai muốn bỏ 1 xu vào quỹ của các ông bà. Trong khi đó, nếu chúng tôi thu lợi được 30-50% mỗi năm, thì chuyện các ông bà ăn bớt 5-10% cũng ổn thôi. Còn nếu chúng tôi đã lỗ 20-30% rồi mà lại còn chi cho các ông bà quản lý thêm 20-30% nữa; không sớm thì muộn, chúng tôi sẽ lăn quay ra chết…vì ngu và điên. Đặt các ông bà xây 1 khúc đường mà giá cao hơn thị trường gấp đôi lại hư hỏng khi chưa sử dụng…thì xử trí sao đây? Ngoài đời, khi bỏ 16 triệu mà mua nhầm một Iphone dỏm từ Trung Quốc thì phải quay lại cửa hàng …đấm vỡ mặt thằng bịp.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của bất cứ dự án đầu tư nào. Thời thế, may mắn, quan hệ, biến động xã hội, thiên tai…đều có thể trở thành những tác động chủ yếu. Nhưng chúng ta phải tùy thuộc vào những phân tích định lượng nêu trên để đánh giá cơ hội thành công của dự án; cũng như những rủi ro khiến chúng ta “tiền mất tật mang”.
Do đó, qua lăng kính của 4 góc nhìn chính, người dân có thể đoán được là các nhà lãnh đạo kinh tế Việt Nam có đủ khả năng đưa con thuyền này vượt sóng cao, ra biển lớn, ganh đua ngang hàng với mọi đối thủ và đối tác trong ngôi làng toàn cầu? Hay là chúng ta phải cầu nguyện mỗi ngày?
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
7 June 2012

21 June 2012

Miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 đến hết năm 2012

(TNO) Chiều 21.6, Quốc hội (QH) đã thông qua nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

QH đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1.7.2012 đến hết ngày 31.12.2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế ở bậc 1.
Theo đó, cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được miễn trong vòng 6 tháng cuối năm. Nếu có người phụ thuộc, ngưỡng chịu thuế cũng sẽ tính thêm phần giảm trừ gia cảnh.
Ngoài ra, QH đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp năm 2012 đối với: DN nhỏ và vừa (không bao gồm DN nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, DN được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty); DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập DN năm 2012 đối với: hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ - phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân - với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ - phòng trọ, giá chăm sóc trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Cũng trong chiều nay, QH thông qua Nghị quyết của phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2010.
Theo đó: tổng số thu cân đối NSNN là 777.283 tỉ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 850.874 tỉ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011; bội chi 109.191 tỉ đồng, bằng 5,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước: vay trong nước 68.967 tỉ đồng và vay ngoài nước 40.224 tỉ đồng.
Anh Vũ

14 June 2012

THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2012 CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Chủ nhật, ngày 5/2/2012
TTXVN (Hà Nội 4/2)
Đồi Capitol, Washington D.C24/1/2012 
Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, thưa ngài Phó Tổng thống, thưa các nghị sĩ Quốc hội, các vị khách quý và toàn thể đồng bào Mỹ:
Tháng trước, tôi đã tới Căn cứ Không quân Andrews và chào đón một số binh lính cuối cùng của chúng ta phục vụ tại Irắc trở về. Chúng tôi đã cùng nhau cử hành một lễ chào cờ cuối cùng, đáng tự hào mà dưới ngọn cờ đó hơn một triệu đồng bào của chúng ta đã chiến đấu – và vài nghìn người đã hy sinh tính mạng của họ.
Chúng ta tụ họp tối nay biết rằng thế hệ những người anh hùng này đã làm cho nước Mỹ an toàn hơn và được tôn trọng hơn trên toàn thế giới. Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, không còn một người Mỹ nào chiến đấu ở Irắc. Lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, Osama bin Laden không phải là một mối đe dọa cho đất nước này. Phần lớn những chỉ huy cấp cao của Al Qaeda đã bị đánh bại. Động lực của Taliban đã bị phá vỡ, và một số binh lính ở Ápganixtan đã bắt đầu trở về nhà.
Những thành tựu này là một minh chứng cho lòng dũng cảm, sự quên mình và tinh thần đồng đội của Các lực lượng Vũ trang Mỹ. Vào thời điểm khi quá nhiều các thể chế của chúng ta làm chúng ta thất vọng, họ đã vượt mọi trông đợi. Họ không bị hao mòn bởi tham vọng cá nhân. Họ không bị ám ảnh về những khác biệt của họ. Họ tập trung vào sứ mệnh sắp tới. Họ làm việc cùng với nhau.
Hãy tưởng tượng chúng ta có thể thực hiện những gì nếu chúng ta noi theo tấm gương của họ. Hãy suy nghĩ về nước Mỹ trong tầm tay của chúng ta: Một đất nước đi đầu thế giới trong việc giáo dục người dân của mình. Một nước Mỹ thu hút một thế hệ mới những công việc sản xuất công nghệ cao và được trả lương cao. Một tương lai mà chúng ta có thể kiểm soát năng lượng của chính chúng ta, và an ninh và sự thịnh vượng của chúng ta không ràng buộc đến như vậy vào những phần bất ổn của thế giới. Một nền kinh tế bền vững, nơi mà làm việc chăm chỉ đem lại kết quả, và trách nhiệm được khen thưởng.
Chúng ta có thể làm được điều này. Tôi biết chúng ta có thể, bởi vì trước đây chúng ta đã từng làm được như vậy. Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi một thế hệ những người anh hùng khác chiến đấu trở về, họ đã xây dựng nên nền kinh tế và tầng lớp trung lưu hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến. Ông của tôi, một cựu chiến binh trong Quân đội của Patton, đã có cơ hội học đại học theo đạo luật GI Bill. Bà của tôi, người làm việc trong một dây chuyền lắp ráp máy bay ném bom, là thành viên của một lực lượng lao động sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất trên Trái đất.
Hai người họ đều có chung sự lạc quan về một quốc gia đã chiến thắng một cuộc suy thoái và chủ nghĩa phát xít. Họ hiểu rằng họ là một phần của một thứ gì đó lớn lao hơn, rằng họ đang đóng góp cho một câu chuyện thành công mà mỗi người Mỹ có một cơ hội để chia sẻ – lời hứa cơ bản của nước Mỹ rằng nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể làm tốt đủ để nuôi gia đình, sở hữu một ngôi nhà, cho con cái học đại học, và để dành được một chút khi nghỉ hưu.
Vấn đề rõ ràng của thời đại chúng ta là làm thế nào đế giữ cho lời hứa đó có giá trị mãi mãi. Không có thách thức nào cấp bách hơn. Không có cuộc tranh luận nào quan trọng hơn. Chúng ta có thể hoặc ổn định một đất nước mà ở đó số người làm thực sự tốt đang giảm đi trong khi số người Mỹ chỉ xoay xở vừa đu ngày càng tăng, hoặc chúng ta có thể khôi phục lại một nền kinh tế mà ở đó tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau, và tất cả mọi người đóng góp như nhau, và tất cả mọi người cùng tuân theo một loạt những quy tắc như nhau. Thứ đang bị lâm nguy không phải là những giá trị của đảng Dân chủ hay những giá trị của đảng Cộng hòa, mà là những giá trị của nước Mỹ. Và chúng ta phải giành lại chúng.
Hãy ghi nhớ làm thế nào chúng ta có mặt ở đây. Từ lâu trước cuộc suy thoái, công ăn việc làm và việc sản xuất đã bắt đầu rời khỏi đất nước chúng ta. Công nghệ đã khiến cho các doanh nghiệp có hiệu quả hơn, nhưng cũng khiến một số việc làm trở nên lỗi thời. Những người ở cấp cao thấy thu nhập của họ tăng lên hơn bao giờ hết, nhưng hầu hết người Mỹ chăm chỉ đã phải vật lộn với chi phí ngày càng tăng, tiền lương thì không tăng, và nợ cá nhân vẫn cứ chồng chất.
Trong năm 2008, kế hoạch bấp bênh đã sụp đổ. Chúng ta biết được rằng các khoản thế chấp đã được bán cho những người không có đủ kha năng chi trả hoặc hiểu chúng. Các ngân hàng đã đặt cược lớn và thưởng bằng tiền của người khác. Các-nhà quản lý đã ngoảnh mặt làm ngơ, hoặc không có thẩm quyền để ngăn chặn hành vi xấu.
Điều đó là sai trái. Điều đó là vô trách nhiệm Và nó đã đẩy nền kinh tế của chúng ta vào một cuộc khủng hoảng khiến hàng triệu người mất việc làm, chất thêm gánh nặng nợ nần cho chúng ta, và khiến những người Mỹ vô tội, chăm chỉ gặp khó khăn. Trong 6 tháng trước khi tôi nhậm chức, chúng ta đã mất gần 4 triệu công ăn việc làm. Và chúng ta đã mất thêm 4 triệu công ăn việc làm nữa trước khi các chính sách của chúng ta hoàn toàn có hiệu lực.
Những điều đó là thực tế. Nhưng đây cũng là thực tế: Trong 22 tháng qua, các doanh nghiệp đã tạo ra hơn 3 triệu công ăn việc làm.
Năm ngoái, họ đã tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất kể từ năm 2005. Các nhà sản xuất Mỹ đang thuê nhân công trở lại, lần đầu tiên tạo ra công ăn việc làm kể từ cuối những năm 1990. Cùng với nhau, chúng ta đã nhất trí cắt giảm thâm hụt hơn 2 nghìn tỷ USD. Và chúng ta đã đặt ra các quy tắc mới để buộc Phố Uôn phải chịu trách nhiệm, để một cuộc khủng hoảng như thế này sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa.
Tình trạng liên bang của chúng ta đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Và chúng ta đã đi quá xa để có thể quay trở lại lúc này. Chừng nào tôi còn là tổng thống, tôi sẽ cộng tác với bất cứ ai trong căn phòng này đế xây dựng cái đà này. Nhưng tôi có ý định chống lại trở ngại bằng hành động, và trước, hết tôi sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm quay lại với đúng những chính sách đã mang đến cuộc khủng hoảng kinh tế này.
Không, chúng ta sẽ không quay trở lại một nền kinh tế bị suy yếu bởi thuê nhân công bên ngoài, nợ xấu, và lợi nhuận tài chính giả mạo. Tối nay, tôi muốn nói về cách chúng ta tiến về phía trước, và đặt ra một kế hoạch chi tiết cho một nền kinh tế bền vững – một nền kinh tế dựa vào ngành sản xuất của Mỹ, năng lượng của Mỹ, những kỹ năng cho người lao động Mỹ, và một sự khôi phục lại những giá trị Mỹ.
Hiện nay, kế hoạch chi tiết này này bắt đầu với ngành sản xuất củaMỹ.
Vào ngày tôi nhậm chức, ngành công nghiệp ôtô của chúng ta đang ở bên bờ vực sụp đổ. Một số người thậm chí còn nói rằng chúng ta nên để cho nó sụp đổ. Với một triệu công ăn việc làm bị đe dọa, tôi đã không đồng ý để cho điều đó xảy ra. Để đổi lấy sự giúp đỡ, chúng ta đòi hỏi trách nhiệm. Chúng ta đã dàn xếp những bất đồng giữa người lao động và các nhà sản xuất ôtô. Chúng ta đã tái trang bị và tái cơ cấu ngành công nghiệp này. Hiện nay, General Motors trở lại vị trí hàng đầu với tư cách nhà sản xuất ôtô số một thế giới. Chrysler đã phát triển ở Mỹ nhanh hơn bất kỳ công ty xe hơi lớn nào. Ford đang đầu tư hàng tỷ -USD vào các cơ sở và nhà máy của Mỹ. Và cùng với nhau, toàn bộ ngành công nghiệp này bổ sung thêm gần 160.000 công ăn việc làm.
“chúng ta đặt cược vào những người lao động Mỹ. Chúng ta đặt cược vào sự khéo léo của Mỹ. Và tối nay, ngành công nghiệp ôtô của Mỹ đã trở lại.
Những gi đang diễn ra ở Detroit có thể diễn ra trong các ngành công nghiệp khác. Nó có thể xảy ra ở Cleveland, Pittsburgh và Raleigh. Chúng ta không thể mang trở lại tất cả những công ăn việc làm dã rời khỏi đất nước chúng ta. Nhưng ngay bây giờ, ngày càng tốn kém hơn khi: kinh doanh ở những nơi như Trung Quốc. Trong khi đó, nước Mỹ lại hiệu quả hơn. Một vài tuần trước đây, Giám đốc điều hành của Master Lock đã nói với tôi rằng điều hiện có ý nghĩa kinh doanh đối với ông ấy là đem công ăn việc làm về nước. Hiện nay, lần đầu tiên trong vòng 15 năm, tổ hợp nhà máy cua Master Lock ờ Milwaukee đang chạy hết công suất.
Như vậy tại thời điểm này, chúng ta có một cơ hội rất lớn để đưa ngành sản xuất trở lại. Nhưng chúng ta phải nắm bắt nó. Tối nay, thông điệp của tôi dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất đơn giản: Hãy tự hỏi các bạn có thể làm những gì để đưa công ăn việc làm trở lại đất nựớc mình, và đất nước các bạn sẽ làm tất cả mọi điều chúng ta có thể để giúp các bạn thành công.
Chúng ta nên bắt đầu với bộ luật thuế của chúng ta. Hiện tại, các công ty được miễn giảm thuế cho việc chuyển công ăn việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài. Trong khi đó, các công ty chọn ở lại Mỹ bị đánh một trong những mức thuế cao nhất thế giới. Điều đó thật vô nghĩa, và tất cả mọi người biết điều đó. Vì vậy, hãy thay đổi nó.
Thứ nhất, nếu bạn là một doanh nghiệp muốn đi thuê nhân công bên ngoài làm việc, bạn không nên được hưởng khấu trừ thuế để làm việc dó số tiền đó nên được sử dụng để trang trải chi phí di chuyển cho các công ty như Master Lock mà quyết định đưa công ăn việc làm trở lại đất nước này.
Thứ hai, không có công ty Mỹ nào có thể tránh được việc phải trả phần tiền thuế như nhau bằng cách chuyển công ăn việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài. Từ giờ trở đi, mỗi công ty đa quốc gia cần phải trả tiền thuế tối thiểu cơ bản. Và mỗi xu nên được sử dụng theo hướng giảm thuế cho các công ty lựa chọn ở lại đây và thuê nhân công ở đây tại Mỹ.
Thứ ba, nếu bạn là một nhà sản xuất của Mỹ, bạn sẽ được cắt giảm thuế nhiều hơn. Nếu bạn là một nhà sản xuất công nghệ cao, chúng ta nên tăng gấp đôi khoản khấu trừ thuế mà bạn nhận được vì chế tạo các sản phẩm của bạn ở đây. Và nếu bạn muốn lại chuyên về trong một cộng đồng, vốn bị tác động nặng nề khi một nhà máy rời khỏi thị trấn, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ tài trợ cho một nhà máy mới, thiết bị, hay đào tạo cho những người lao động mới.
Như vậy, thông điệp của tôi rất đơn giản. Đã đến lúc ngừng tán thưởng các doanh nghiệp đưa công ăn việc làm ra nước ngoài, và bắt đầu tán thưởng các công ty tạo công ăn việc làm ngay tại đây ở nước Mỹ. Hãy gửi cho tôi những cải cách thuế này, và tôi sẽ ký chúng ngay lập tức.
Chúng ta cũng đang tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm trên toàn thế giới. Hai năm trước, tôi đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ trong vòng 5 năm. Với các hiệp định thương mại được hai đảng nhất trí mà chúng ta đã ký thành luật, chúng ta đang trên lộ trình đạt được mục tiêu đó trước thời hạn. Và sẽ sớm có hàng triệu khách hàng mới cho hàng hóa của Mỹ tại Panama, Colombia, và Hàn Quốc. Sẽ sớm có những chiếc xe ôtô mới trên đường phố Xơun nhập khấu từ Detroit, và Toledo, và Chicago.
Tôi sẽ đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới để mở các thị trường mới cho sản phẩm của Mỹ. Và tôi sẽ không đứng yên khi các đối thủ cạnh tranh của chúng ta không chơi đúng luật. Chúng ta đã có các vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc với tỷ lệ gần gấp đôi so với chính quyền trước – và nó đã tạo ra một sự khác biệt. Hơn một nghìn người Mỹ đang làm việc ngày hôm nay bởi chúng ta đã ngăn chặn sự tràn lan của lốp xe Trung Quốc. Nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Không phải là điều đúng đắn khi một nước khác để cho phim ảnh, âm nhạc, và phần mềm của chúng ta bị vi phạm bản quyền. Thật không công bằng khi các nhà sản xuất nước ngoài có lợi thế hơn chúng ta chỉ vì họ được trợ cấp nhiều.
Tối nay, tôi công bố thành lập một Đơn vị Thực thi Thương mại sẽ chịu trách nhiệm điều tra các hoạt động kinh doanh gian lận ở những nước như Trung Quốc. Sẽ có nhiều hơn những sự kiểm duyệt để ngăn không cho hàng, hóa giả hoặc không an toàn qua biên giới của chúng ta. Và Quốc hội này cần đảm bảo rằng không công ty nước ngoài nào có lợi thế hơn ngành sản xuất của Mỹ khi tiếp cận sự tài trợ hoặc các thị trường mới như Nga. Người lao động của chúng ta có hiệu quả nhất trên Trái đất, và nếu sân chơi ngang bằng, tôi xin hứa với các bạn – nước Mỹ sẽ luôn giành chiến thắng.
Tôi cũng nghe nói nhiều lãnh đạo doanh nghiệp muốn thuê nhân công tại Mỹ nhưng không thể tìm được người lao động với các kỹ năng thích hợp. Các ngành công nghiệp phát triển về khoa học và công nghệ có những vị trí trống nhiều gấp đôi số người lao động chúng ta có mà có thẻ làm được-việc. Hãy suy nghĩ về điều đó – các vị trí trống tại một thời điểm khi mà hàng triệu người Mỹ đang tìm kiếm công ăn việc làm. Đó là điều không thể bào chữa được. Và chúng ta biết làm thế nào để sửa chữa nó.
Jackie Bray là một người mẹ độc thân đến từ Bắc Carolina đã bị mất công việc thợ cơ khí của mình. Sau đó, hãng Siemens đã mở một nhà máy tuabin khí ở Charlotte, và thiết lập quan hệ đối tác với Đại học Cộng đồng Trung tâm Piedmont. Công ty đã giúp trường đại học này thiết kế các khóa học về đào tạo lade và robot. Công ty đã trả tiền học phí cho Jackie, sau đó thuê cô giúp vận hành nhà máy của họ.
Tôi muốn mọi người Mỹ đang tìm việc làm có được cơ hội giống như Jackie đã có. Hãy cùng tôi tham gia vào một cam kết quốc gia để đào tạo 2 triệu ngưòi Mỹ với những kỹ năng sẽ trực tiếp dẫn đến có một việc làm. Chính quyền của tôi đã thu xếp thêm nhiều công ty muốn giúp đỡ. Những mối quan hệ đối tác kiểu mẫu giữa các doanh nghiệp như Siemens và các trường đại học cộng đồng ở những nơi như Charlotte, và Orlando, và Louisville đang tăng lên và vận hành. Hiện nay, người ta cần phải cung cấp thêm cho các trường đại học cộng đồng các nguồn lực mà họ cần để trở thành những trung tâm nghề nghiệp cộng đồng – những nơi dạy con người các kỹ năng mà các doanh nghiệp đang tìm kiếm ngay lúc này, từ quản lý dữ liệu tới sản xuất công nghệ cao.
Và tôi muốn mở ra một lối đi trong mê cung của các chương trình đào tạo rối rắm, để từ giờ trở đi, những người như Jackie có một chương trình, một trang web, và một nơi đến để gõ được tất cả các thông tin và sự giúp đỡ mà họ cần. Đã đến lúc biến hệ thống thất nghiệp của chúng ta thành một hệ thống làm việc trở lại mà đưa mọi người đến với công việc.
Những cải cách này sẽ giúp người dân có được những việc làm đang đê trống ngày hôm nay. Nhưng để chuẩn bị cho các công việc của ngày mai, cam kết của chúng ta về các kỹ năng và giáo dục phải bắt đầu sớm hơn.
Với chưa đầy 1% những gì quốc gia chúng ta chi cho giáo dục mỗi năm, chúng ta đã thuyết phục gần như tất cả các bang trên đất nước này nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy và học tập của họ – lần đầu tiên điều đó đã xảy ra trong một thế hệ.
Nhưng thách thức vẫn còn tồn tại. Và chúng ta biết phải làm thế nào để giải quyết chúng.
Vào một thời điểm khi các nước khác đang tăng cường cho giáo dục, việc thắt chặt ngân sách đã buộc các bang phải sa thải hàng nghìn giáo viên. Chúng ta biết một giáo viên giỏi có thể tăng thu nhập suốt đời của một lớp học vào khoảng trên 250.000 USD. Một giáo viên xuất sắc có thể làm cho một đứa trẻ mơ ước vượt qua hoàn cảnh của mình thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Mọi người trong căn phòng này có thể chỉ ra một giáo viên đã thay đổi đường hướng cuộc sống của họ. Hầu hết các giáo viên làm việc không mệt mỏi, với mức lương khiêm tốn, đôi khi phải bỏ tiền túi của mình ra để giúp cho nhà trường – chỉ để tạo ra một sự khác biệt.
Những người giáo viên có vai trò quan trọng. Vì vậy thay vì đối xử thô bạo với họ, hay bảo vệ nguyên trạng, hãy đưa ra cho các trường học một thỏa thuận. Dành cho họ các nguồn tài lực để giữ chân các giáo viên giỏi tiếp tục theo nghề, và thưởng công cho những giáo viên giỏi nhất. Và đáp lại, cho phép các trường học được linh hoạt: dạy học với sự sáng tạo và say mê; chấm dứt dạy thử nghiệm; và thay thế những giáo viên không giúp đỡ trẻ em học hành. Đó là một sự mà cả đáng làm.
Chúng ta cũng biết rằng khi sinh viên không từ bỏ việc học hành của họ, thêm nhiều người trong số họ bước lên bục để nhận bằng cử nhân của mình. Khi sinh viên không được phép bỏ học, họ học tập tốt hơn. Vì vậy tối nay, tôi đề nghị mỗi bang – mỗi bang – yêu cầu tất cả các học sinh ở lại trường trung học cho đến khi họ tốt nghiệp hoặc đến năm 18 tuổi.
Khi trẻ em tốt nghiệp trung học, thách thức làm nản lòng nhất có thể là chi phí học đại học. Vào thời điểm khi người Mỹ chịu món nợ học phí nhiều hơn số tiền nợ trong thẻ tín dụng, Quốc hội này cần chấm dứt việc tăng gấp đôi lãi suất đối với các khoản vay của sinh viên vào tháng 7.
Việc mở rộng giảm thuế học phí mà chúng ta đã bắt đầu đang tiết kiệm hàng nghìn đôla cho hàng triệu gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, và tạo thêm cơ hội cho những người trẻ tuổi kiếm tiền học hết đại học bằng cách tăng gấp đôi số việc vừa học vừa làm trong 5 năm tới.
Tất nhiên, đối với chúng ta việc tăng trợ cấp cho sinh viên là chưa đủ. Chúng ta không thể chỉ duy trì việc trợ cấp học phí đang tăng vọt; chúng ta sẽ hết sạch tiền. Các bang cũng cần làm phần việc của mình, bằng cách dành ưu tiên cao hơn cho giáo dục đại học trong ngân sách của họ. Và các trường cao đẳng và đại học phải làm phần việc của mình bằng cách phấn đấu giảm bớt chi phí.
Gần đây, tôi nói chuyện với một nhóm hiệu trưởng các trường cao đẳng những người đã làm đúng như vậy. Một số trường học đã sắp xếp lại các khóa học để giúp sinh viên hoàn thành nhanh hơn. Một số trường sử dụng công nghệ tốt hơn. vấn đề là điều đó có thể thực hiện được. Vì vậy cho phép tôi lưu ý tới các trường cao đẳng và đại học: nếu các quý vị không thể chấm dứt việc tăng học phí, số tiền mà các vị nhận được từ những người đóng thuế sẽ giảm. Giáo dục đại học không thể là sự xa xỉ – đây là một đòi hỏi kinh tế mà mỗi gia đình ở Mỹ cần có khả năng đáp ứng.
Chúng ta cũng hãy nhớ rằng hàng trăm nghìn sinh viên tài năng, học tập chăm chỉ ở đất nước này đối mặt với thách thức khác: thực tế rằng họ chưa hẳn là công dân Mỹ. Nhiều người được đưa đến đây khi còn là những đứa trẻ, hoàn toàn là người Mỹ, tuy nhiên họ sống hàng ngày với mối đe dọa bị trục xuất. Những người khác gần đây hơn đã đến đây học tập về kinh doanh, khoa học và thiết kế công trình, nhưng ngay khi họ nhận bằng tốt nghiệp, chúng ta đưa họ trở về nước để sáng chế các sản phẩm mới và tạo ra những công ăn việc làm mới ở nơi khác.
Điều đó thật vô nghĩa
Tôi tin tưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết rằng chúng ta nên giải quyết vấn đề nhập cư trái phép. Đó là lý do giải thích tại sao chính quyền của tôi đã giám sát ráo riết hơn bao giờ hết ở biên giới. Đó là lý do tại sao có ít người vượt biên bất hợp pháp hơn khi tôi lên cầm quyền. Những người phản đối hành động là không thể tha thứ được. Chúng ta cần tiến hành cải cách nhập cư toàn diện ngay bây giờ.
Nhưng nếu các hoạt động chính trị trong năm bầu cử này ngăn không cho quốc hội hành động theo một kế hoạch toàn diện, thì ít nhất chúng ta hãy đồng ý chấm dứt việc trục xuất những người trẻ tuối có trách nhiệm muốn làm việc trong các phòng thí nghiệm của chúng ta, khởi đầu các doanh nghiệp mới, bảo vệ đất nước này. Hãy gửi cho tôi một đạo luật tạo cho họ cơ hội để có được tư cách công dân Mỹ. Tôi sẽ ký nó ngay lập tức.
Các quý vị biết đấy, một nền kinh tế được xây dụng để tồn tại lâu dài là một nền kinh tế nơi chúng ta khuyến khích tài năng và kỹ năng của mọi người ở đất nước này. Điều đó có nghĩa là phụ nữ cần được trả lương tương xứng với công việc. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần ủng hộ mọi người sẵn sàng làm việc, và mọi người dám chấp nhận rủi ro và mọi chủ doanh nghiệp khao khát trở thành Steve Jobs tiếp theo.
Xét cho cùng, đổi mới là điều mà nước Mỹ luôn quan tâm. Phần lớn công ăn việc làm mới là được tạo ra ở các doanh nghiệp nhỏ và mới khởi sự. Do đó, chúng ta hãy thông qua một chương trình nghị sự giúp họ thành công. Hãy xóa bỏ những quy chế ngăn cản các chủ doanh nghiệp đầy khát vọng nhận được sự tài trợ để phát triển. Hãy mở rộng phạm vi giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ đang tăng lương và tạo ra những công ăn việc làm tốt. Cả hai đảng đều đồng ý về những ý tưởng này. Vì vậy hãy đưa chúng vào một dự luật, và đặt nó lên bàn làm việc của tôi trong năm nay.
Sự đổi mới cũng đòi hỏi việc nghiên cứu cơ bản. Hiện nay, nhưng khám phá diễn ra trong các phòng thí nghiệm và các trường đại học được liên bang tài trợ của chúng ta có thể dẫn đến các biện pháp điều trị mới tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng không làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh. Loại áo giáp nhẹ mới dùng cho cảnh sát và binh lính có thể chống được bât cứ viên đạn nào. Không được loại bỏ những đầu tư này trong ngân sách của chúng ta. Không được để cho các nước khác giành thắng lợi trong cuộc chạy đua giành tương lai. Hãy hỗ trợ cho hình thức tương tự những nghiên cứu và đổi mới đã dẫn đến con chíp máy tính và Internet; dẫn đến những công ăn việc làm mới của Mỹ và các ngành công nghiệp mới của Mỹ.
Và không ở đâu triển vọng đổi mới lại lớn hơn trong lĩnh vực năng lượng do Mỹ sản xuất. Trong 3 năm qua, chúng ta đã khai phá hàng triệu mẫu Anh mới để thăm dò dầu lửa và khí đốt, và tối nay, tôi đang chỉ đạo cho chính quyền của tôi khai phá hơn 75% các nguồn dầu lửa và khí đôt tiềm tàng của chúng ta ở ngoài khơi. Ngay bây giờ – ngay lúc này – sản lượng dầu lửa của Mỹ là cao nhất trong 8 năm qua. Đúng – 8 năm. Không chỉ có vậy – năm ngoái, chúng ta đã dựa ít hơn vào dầu lửa nước ngoài so với bất cứ thời điểm nào trong 16 năm qua
Nhưng với chỉ 2% trữ lượng dầu lửa thế giới, dầu lửa là không đủ. Đất nước này cần có một chiến lược tổng lực, quan trọng hơn hết thảy để phát triển mọi nguồn năng lượng sẵn có của Mỹ. Một chiến lược năng lượng sạch hơn, rẻ hơn, và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới.
Chúng ta có một nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên có thể đủ cung cấp cho nước Mỹ trong gần 100 năm. Và chính quyền của tôi sẽ tiến hành mọi hành động có thể để phát triển an toàn năng lượng này. Các chuyên gia tin rằng điều này sẽ hỗ trợ cho hơn 600.000 công ăn việc làm vào cuối thập kỷ này. Và tôi yêu cầu tất cả các công ty khoan thăm dò khí đốt ở các khu đất công tuyên bố công khai các hóa chất mà họ sử dụng. Vì Mỹ sẽ phát triển
nguồn tài nguyên này mà không đặt sức khỏe và sự an toàn của các công dân của chúng ta vào tình trạng nguy hiểm.
Sự phát triển khí đốt tự nhiên sẽ tạo ra công ăn việc làm và cung cấp năng lượng sạch hơn và rẻ hơn cho các xe tải và các nhà máy chứng tỏ rằng chúng ta không phải lựa chọn giữa môi trường và nền kinh tế của chúng ta. Và theo đó, chính những đồng đôla công chi cho việc nghiên cứu, trong suốt 30 năm qua, đã góp phần phát triển các công nghệ chiết xuất khí đốt tự nhiên từ đá phiến – nhắc nhở chúng ta rằng sự hỗ trợ của chính phủ là mang tính quyết định trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp có những ý tưởng mới
về năng lượng khởi đầu có hiệu quả.
Hiện nay, những gì đúng đối với khí đốt tự nhiên là đúng đối với năng lượng sạch. Trong 3 năm qua, mối quan hệ đối tác của chúng ta với khu vực tư nhân đã đặt nước Mỹ vào vị trí là nước sản xuất pin công nghệ cao hàng đầu trên thế giới. Vì những đầu tư của liên bang, việc sử dụng năng lượng tái sinh gần như đã tăng gấp đôi, và hàng nghìn người Mỹ có công ăn việc làm vì nó.
Khi Bryan Ritterby bị sa thải khỏi công việc của ông là sản xuất đồ dùng ông nói ông lo lắng rằng ở tuổi 55, không ai cho ông cơ hội lần thứ hai. Nhưng ông đã tìm được việc làm tại Energetx, một nhà máy sản xuất tuốc bin chạy bằng sức gió ở Michigan. Trước cuộc suy thoái, nhà máy này chỉ sản xuất các du thuyền hạng sang. Hiện nay, nhà máy này đang thuê các công nhân như Bryan, ông nói: “Tôi tự hào đang làm việc trong ngành
công nghiệp của tương lai”.
Kinh nghiệm của chúng ta về khí đốt từ đá phiến, kinh nghiệm cúa chúng ta về khí đốt tự nhiên, cho chúng ta thấy rằng kết quả về đầu tư công này không phải luôn đến ngay lập tức. Một số công nghệ chưa mang lại kết quả; một số công ty thất bại: Nhưng tôi sẽ không từ bỏ lời hứa về năng lượng sạch. Tôi sẽ không từ bỏ những người lao động như Bryan. Tôi sẽ không nhường lại ngành công nghiệp về sức gió, năng lượng mặt trời, hoặc pin cho Trung Quốc hoặc Đức vì chúng ta từ chối đưa ra cam kết tương tự ở đây.
Chúng ta đã trợ cấp cho các công ty dầu lửa trong một thế kỷ. Thế là quá đủ rồi. Đã đến lúc phải chấm dứt việc lấy tiền của những người đóng thuế cho một ngành công nghiệp hiếm khi mang lại nhiều lợi nhuận cao hơn, và tăng cường cho ngành công nghiệp năng lượng sạch mà chưa bao giờ nhiều hứa hẹn đến thế. Hãy thông qua việc cắt giảm thuế cho năng lượng sạch. Tạo ra những công ăn việc làm này.
Chúng ta cũng có thể khuyến khích đổi mới năng lượng với những khích lệ mới. Những bất đồng trong căn phòng này ngay lúc này có thể quá sâu sắc đến mức chưa thể thông qua một kế hoạch toàn diện ứng phó với sự biến đổi khí hậu. Nhưng không có lý do giải thích tại sao Quốc hội ít nhất lại không đề ra được một chuẩn mực về năng lượng sạch tạo ra một thị trường cho sự đổi mới. Cho đến nay, các quý vị vẫn chưa hành động. Vì vậy, tối nay, tôi sẽ hành động. Tôi đang chỉ thị cho chính quyền của tôi cho phép phát triển năng lượng sạch trên khu vực đất công để cung câp năng lượng cho 3 triệu gia đình. Và tôi tự hào thông báo rằng Bộ Quốc phòng, đang làm việc với chúng ta, người tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, sẽ đưa ra một trong những cam kết lớn nhất về năng lượng sạch trong lịch sử – với việc lực lượng Hải quân mua đủ công suất để cung cấp năng lượng cho một phần tư triệu gia đình mỗi năm.
Tất nhiên, cách dễ dàng nhất để tiết kiệm tiền là giảm bớt tình trạng lãng phí năng lượng. Vì vậy đây là một đề xuât: giúp đỡ các nhà sản xuất loại bỏ tình trạng lãng phí năng lượng trong các nhà máy của họ và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp các cơ sở của họ. Hóa đơn thanh toán cho năng lượng của họ sẽ thấp hơn 100 tỉ USD trong thập kỷ tới, và Mỹ sẽ giảm bớt tình trạng ô nhiễm, sản xuất nhiều hơn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn cho công nhân xây dựng, những người cần công ăn việc làm. Hãy gửi cho tôi một dự luật tạo ra những công ăn việc làm đó.
Việc xây dựng tương lai năng lượng mới này sẽ chỉ là một phần trong chương trình nghị sự rộng rãi hơn để sửa chữa cơ sở hạ tầng của Mỹ. Nước Mỹ rất cần được xây dựng lại rất nhiều. Chúng ta có những con đường và những cây cầu rạn nứt; một mạng lưới điện tiêu hao quá nhiều năng lượng; một mạng lưới băng thông rộng tốc độ cao chưa hoàn chỉnh cản trở một chủ doanh nghiệp nhỏ ở vùng nông thôn Mỹ bán sản phẩm của
bà ra khắp thế giới.
Trong cuộc Đại Suy thoái, nước Mỹ đã xây dựng được Đập Hoover và cầu Golden Gate. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng ta đã nối liền các bang của chúng ta bằng một hệ thống đường cao tôc. Các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đã đầu tư vào các dự án lớn mang lại lợi ích cho mọi người từ những người công nhân xây dựng chúng cho đến các doanh nghiệp vẫn sử dụng chúng hiện nay.
Trong vài tuần tới, tôi sẽ ký một sắc luật bài trừ tệ quan liêu kìm hãm tiến độ của quá nhiều dự án xây dựng. Nhưng các quý vị cần tài trợ cho các dự án này. Hãy lấy số tiền mà chúng ta không còn phải chi phí trong chiến tranh sử dụng một nửa số tiền đó để trả bớt khoản nợ của chúng ta, và sử dụng phần còn lại để tiến hành phần nào việc xây dựng quốc gia ngay tại đất nước này.
Chưa có lúc nào xây dựng tốt hơn lúc này, đặc biệt kể từ khi nganh xây dựng là một trong những ngành gặp khó khăn nhất khi bong bóng nhà đất vỡ tung. Tất nhiên, công nhân xây dựng không phải là những người duy nhất bị phương hại. Cũng bị phương hại là hàng triệu người dân vô tội Mỹ đã nhận thấy những giá trị nhà cửa của họ suy giảm. Và trong khi chính phủ tự mình không thể giải quyết được vấn đề này, các chủ sở hữu nhà có trách nhiệm phải không được ngồi yên và chờ đợi thị trường nhà đất chạm đáy để được giảm nợ phần nào.
Và đó lí do là tại sao tôi đang gửi đến Quốc hội một kế hoạch đem đến cho mỗi chủ sở hữu nhà có trách nhiệm cơ hội để tiết kiệm khoảng 3.000 USD/năm đối với thế chấp của họ, bằng cách tái cấp vốn với những lãi suất thấp lịch sử. Không còn tệ quan liêu. Không còn việc chạy quanh các ngân hàng. Một khoản phí nhỏ đối với các thể chế tài chính lớn nhất sẽ đảm bảo rằng nó sẽ không làm tăng thâm hụt và đem đến cho những ngân hàng được giải cứu bởi người đóng thuế một cơ hội để trả lại một sự thiếu hụt về niềm tin.
Đừng bao giờ quên: Hàng triệu người Mỹ làm việc chăm chỉ và tuân thủ luật pháp mỗi ngày xứng đáng có một chính phủ và một hệ thống tài chính mà cũng hành động như vậy. Đã đến lúc áp dụng những quy tắc tương tự từ trên xuống dưới. Không cứu trợ tài chính, không bố thí, không chối bỏ trách nhiệm. Một nước Mỹ được xây dựng để tồn tại đòi hỏi trách nhiệm từ mọi người.
Chúng ta đều đã phải trả giá vì những người cho vay đã bán các tài sản thế chấp cho những người không có khả năng chi trả, và những người mua biết rằng họ không thể chi trả cho chúng. Đó là lí do tại sao chúng ta cần những quy tắc thông minh để ngăn ngừa cách hành xử thiếu trách nhiệm. Những luật lệ để ngăn ngừa gian lận tài chính hay việc thải chất độc hại hay các thiết bị y tế hỏng hóc – những điều này không phá hủy thị trường tự do. Chúng làm thị trường tự do hoạt động tốt hơn.
Không có việc một số quy tắc đã lỗi thời, không cần thiết hoặc quá tốn kém. Trên thực tế, tôi đã phê chuẩn ít quy tắc hơn trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của tôi so với người tiền nhiệm Cộng hòa. Tôi đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan liên bang loại trừ các luật lệ không có ý nghĩa. Chúng ta đã công bố trên 500 sửa đổi, và chỉ một phần của chúng sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp và các công dân hơn 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Chúng ta đã loại bỏ một luật lệ từ 40 năm trước mà đã có thể buộc một số nông dân sản xuất bơ sữa phải chi 10.000 USD/năm để chứng minh rằng họ có thể ngăn chặn sự cố tràn sữa — vì sữa theo cách nào đó được xếp là một loại dầu. Với một luật lệ như thế, tôi cho rằng cũng đáng để ca thán.
Giờ đây, tôi tin rằng một người nông dân có thể ngăn tràn sữa mà không cần một cơ quan liên bang giám sát. Một cách chắc chắn. Nhưng tôi sẽ không lùi bước trước việc bảo đảm một công ty dầu có thể ngăn chặn kiểu tràn dầu chúng ta đã thấy ở Vịnh Mêhicô 2 năm trước. Tôi sẽ không lùi buớc trước việc bảo vệ những đứa trẻ của chúng ta khỏi nhiễm độc thủy ngân, hay đảm bảo rằng lương thực của chúng ta an toàn và nước của chúng ta sạch sẽ. Tôi sẽ không trở lại những ngày khi các công ty bảo hiểm sức khỏe có quyền không bị kiểm soát để hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm của các vị, từ chối phạm vi bảo hiểm của các vị hay thu phí phụ nữ khác với đàn ông.
Và tôi sẽ không trở lại những ngày khi Phố Uôn được cho phép hoạt động dựa trên những bộ nguyên tắc của riêng mình. Những luật lệ mới mà chúng ta đã thông qua khôi phục lại những điều nên là mục đích cốt lõi của bất kỳ hệ thống tài chính nào: cấp quỹ cho các chủ doanh nghiệp với sáng kiến tốt nhất, và cấp các khoản vay cho các gia đình có trách nhiệm, những người muốn mua một ngôi nhà, hay khởi nghiệp kinh doanh hoặc cho con cái của họ học đại học.
Do đó nếu các vị là một ngân hàng hay một thể chế tài chính lớn, các vị không còn được phép đánh cược liều lĩnh với các khoản tiền gửi của khách hàng của các vị. Các vị được yêu cầu viết một “di chúc sống” trình bày chi tiết chính xác làm thế nào các vị sẽ chi trả các hóa đơn nếu các vị thất bại – bởi vì phần còn lại của chúng ta sẽ không bao giờ cứu giúp các vị nữa. Và nếu các vị là một nhà cho vay thế chấp hay một nhà cho vay tạm ứng tiền mặt hoặc một công ty thẻ tín dụng, những ngày ký kết với người dân cho các sản phẩm họ không thể chi trả với những thủ tục rắc rối và các thủ đoạn lừa dối – những ngày đó đã hết. Ngày nay, người tiêu dùng Mỹ cuối cùng đã có một người bảo vệ quyền lợi là Richard Cordray với một công việc: Canh chừng cho họ.
Chúng ta cũng sẽ thành lập một Đơn vị chống tội phạm tài chính bao gồm các nhà điều tra được đào tạo kỹ lưỡng để trừng trị gian lận trên phạm vi lớn và bảo vệ các khoản đầu tư của người dân. Một số công ty tài chính vi phạm các luật chống gian lận lớn vì không có hình phạt thật sự cho một người phạm tội nhiều lần. Điều đó thật tồi tệ cho người tiêu dùng, và tồi tệ cho phần lớn các chủ ngân hàng và các chuyên gia dịch vụ tài chính, những người hành động đúng theo pháp luật. Vì vậy hãy thông qua luật pháp trừng phạt gian lận.
Và tối nay, tôi sẽ đề nghị Bộ trưởng tư pháp của tôi thành lập một đơn vị đặc biệt gồm các công tố viên liên bang và các viên chưởng lý bang hàng đầu để mở rộng các cuộc điều tra của chúng ta về việc cho vay và gộp các khoản thế chấp rủi ro mang tính lạm dụng mà đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nhà ở. Đơn vị mới này sẽ quy trách nhiệm những người vi phạm luật pháp, đẩy nhanh hỗ trợ cho các chủ sở hữu nhà, và giúp kết thúc một kỷ nguyên liều lĩnh đã làm tổn thương quá nhiều người Mỹ.
Hiện nay, một sự trở lại với những giá trị Mỹ với cách xử sự công bằng và trách nhiệm được chia sẻ sẽ giúp bảo vệ người dân và nền kinh tế của chúng ta. Nhưng nó cũng nên dẫn dắt chúng ta khi chúng ta xem xét trả nợ và đầu tư vào tương lai cùa chúng ta.
Ngay bây giờ, ưu tiên trước nhất của chúng ta là chấm dứt việc tăng thuế đánh vào 160 triệu người lao động Mỹ trong khi quá trình phục hồi vẫn còn mỏng manh. Người dân không thể có đủ khả năng chịu mất 40 USD trong mỗi ngân phiếu trả lương năm nay. Có nhiều cách để thực hiện điều này. Vì vậy, chúng ta hãy đồng ý ngay tại đây, ngay bây giờ: Không vấn đề phụ. Không đóng kịch. Hãy thông qua việc cắt giảm thuế tiền lương ngay lập tức. Hãy thực hiện điều đó.
Khi nói tới thâm hụt, chúng ta đã đồng ý cắt giảm và tiết kiệm hơn 2 nghìn tỷ USD. Nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn, và điều đó có nghĩa là phải lựa chọn, Ngay lúc này, chúng ta đã sẵn sàng chi thêm gần 1 nghìn tỷ USD nữa cho cái được cho là giảm thuế tạm thời cho 2% người Mỹ giàu có nhất. Ngay lúc này, vì những sơ hở và những che chắn trong luật thuế, một phần tư tất cả các triệu phú trả mức thuế suất thấp hơn hàng triệu gia đình trung lưu. Ngay lúc này, Warren Buffet trả một mức thuế suất thấp hơn thư ký của mình.
Liệu chúng ta có muốn duy trì những cắt giảm giảm thuế này cho nhũng người Mỹ giàu có nhất? Hay chúng ta muốn duy trì những đầu tư của chúng ta vào tất cả những điều khác – như nghiên cứu giáo dục và y học; một quân đội mạnh và công tác chăm sóc các cựu chiến binh của chúng ta? Vì nếu chúng ta nghiêm túc về việc trả nợ của mình, chúng ta không thể làm được cả hai.
Người dân Mỹ biết lựa chọn gì là đúng. Tôi cũng vậy. Như tôi đã nói với ngài Chủ tịch Hạ viện mùa hè này, tôi đang chuẩn bị thực hiện nhiều cải cách hơn để kiểm soát những chi phí lâu dài của chương trình Medicare và Medicaid, và củng cố An sinh Xã hội, miễn là các chương trình đó vẫn là một sự bảo đảm cho an sinh của người cao tuổi.
Nhưng bù lại, chúng ta cần phải thay đổi luật thuế của chúng ta để những người như tôi, và rất nhiều Nghị sĩ Quốc hội, trả thuế công bằng. Cải cách thuế nên đi theo Quy tắc Buffett. Nếu các vị làm ra hơn 1 triệu USD/năm, các vị không nên trả thuế ít hơn 30%. Và người bạn theo Đảng Cộng hòa của tôi Tom Coburn đã đúng: Oasinhtơn nên chấm dứt trợ cấp các triệu phú. Trên thực tế, nếu các vị kiếm được 1 triệu ƯSD/năm, các vị không nên nhận các khoản trợ cấp thuế và khấu trừ đặc biệt. Mặt khác, nếu các vị kiếm được dưới 250.000 USD/năm, như 98% các gia đình Mỹ, thuế của các vị không nên tăng lên. Các vị là những người vật lộn với chi phí đang gia tăng và tiền lương chậm trễ. Các-vị là những người cần trợ giúp.
Giờ đây, các vị có thể gọi cuộc chiến giai cấp này bàng tất cả những gì các vị muốn. Nhưng yêu cầu một tỷ phú trả thuế ít nhất bằng với thư ký của mình? Phần lớn người Mỹ gọi đó là lẽ thường.
Chúng ta không ghen tị thành công tài chính ở đất nước này. Chúng ta ngưỡng mộ nó. Khi người Mỹ nói về nhũng người như tôi trả phần thuế công bằng của mình, đó không phải vì họ ghen tị với người giàu. Đó là vì họ hiểu rằng khi tôi nhận được khoản khấu trừ thuế mà tôi không cần và đất nước không thể chi trả, điều đó tăng thêm thâm hụt, hoặc ai đó sẽ phải đền bù sự. chênh lệch – như một người cao tuổi sống bằng thu nhập cố định, hay một sinh viên cố gắng học hết khóa học, hay một gia đình cố kiếm tiền để đủ sống. Điều đó không đúng. Người Mỹ biết điều đó không đúng. Họ biết rằng thành công của thế hệ này chỉ có thể có được nhờ những thế hệ trước đã cảm thấy có trách nhiệm với nhau, cũng như với tương lai của đất nước họ, và họ biết lối sống của chúng ta sẽ chỉ kéo dài nếu chúng ta cảm nhận được ý thức tương tự về trách nhiệm được chia sẻ. Đó là cách chúng ta sẽ giảm thâm hụt của chúng ta. Đó là một nước Mỹ được xây dựng để tồn tại.
Giờ đây, tôi nhận ra rằng những người đang theo dõi tối nay có những cái nhìn khác nhau về các khoản thuế và nợ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Nhưng bất kể họ thuộc đảng nào, tôi đánh cược rằng hầu hết người Mỹ ngay lúc này đang nghĩ về cùng một việc: Không điều gì sẽ được thực hiện ở Oasinhtơn trong năm nay, hoặc năm sau, hoặc có thể thậm chí cả năm sau nữa, bởi vì Oasinhtơn đang đổ vỡ.
Quý vị có thể đổ lỗi cho họ vì cảm thấy một chút hoài nghi? Cú đánh lớn nhất giáng vào lòng tin của chúng ta đối với nền kinh tế của chúng ta năm ngoái không đến từ những sự kiện nằm ngoài tầm kjểm soát của chúng ta. Nó đến từ một cuộc tranh luận ở Oasinhtơn về việc liệu Mỹ có trả những hóa đơn của mình hay không? Ai hưởng lợi từ thất bại đó?
Tối nay tôi đã nói về sự thiếu hụt niềm tin giữa Phố Main và Phố Uôn. Nhưng sự chia rẽ giữa thành phố này và phần còn lại của đất nước ít nhất cũng tồi tệ như vậy – và nó dường như tồi tệ hơn sau mỗi năm.
Một số trong đó có liên quan đến ảnh hưởng ăn mòn của đồng tiền trong hoạt động chính trị. Vì vậy, cùng nhau chúng ta hãy thực hiện một số bước để sửa chữa điều đó. Hãy gửi cho tôi một dự luật cấm các nghị sĩ Quốc hội buôn bán nội bộ; tôi sẽ ký vào ngày mai. Hãy hạn chế bất cứ quan chức được bầu lên nào sở  hữu cổ phần trong các ngành công nghiệp họ có ảnh hưởng. Hãy đảm bảo rằng những người tập hợp những đóng góp tranh cử vào Quốc hội sẽ không vận động hành lang Quốc hội, và ngược lại – một ý tưởng đã nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng, ít nhất ở bên ngoài Oasinhtơn.
Một số điều đổ vỡ liên quan tới cách Quốc hội hoạt động những ngày này. Một đa số đơn giản không còn đủ để có được bất kỳ điều gì – thậm chí cả công việc thường ngày – được Thượng viện thông qua. Không đảng nào vô tội trong những sách lược này. Trước hết, tôi yêu cầu Thượng viện thông qua một quy tắc đơn giản rằng tất cả những bổ nhiệm về tư pháp và dịch vụ công phải nhận một cuộc bỏ phiếu thuận hay chống trong vòng 90 ngày.
Ngành hành pháp cũng cần thay đổi. Nó quá thường xuyên thiếu hiệu quả, lỗi thời và tách biệt. Đó là lí do tại sao tôi đã yêu cầu Quốc hội cho tôi quyền củng cố bộ máy quan liêu liên bang, để chính phủ của chúng ta gọn nhẹ hơn, nhanh hơn, và có khả năng đáp ứng hơn những nhu cầu của người dân Mỹ.
Cuối cùng, không điều nào trong số này có thể diễn ra trừ phi chúng ta cũng giảm bớt nhiệt độ trong thành phố này. Chúng ta cần chấm dứt quan điểm rằng hai đảng phải bị khóa chặt trong một chiến dịch phá hoại lẫn nhau liên miên; rằng chính trị có nghĩa là trung thành với những hệ tư tưởng cứng nhắc thay vì xây dựng sự đồng thuận xung quanh những ý tưởng thông thường.
Tôi là một đảng viên Dân chủ. Nhưng tôi tin vào điều đảng viên Cộng hòa Abraham Lincoln đã tin tưởng rằng chính phủ chỉ nên làm cho người dân những điều mà bản thân họ không thể làm tốt hơn, và không thêm gì nữa. Đó là lí do tại sao cải cách giáo dục của tôi đem đến nhiều cạnh tranh hơn, cũng như nhiều quyền kiểm soát hơn cho các trường học và các bang. Đó là lí do tại sao chúng ta đang từ bỏ những quy tắc không có tác dụng. Đó là lí do tại sao luật chăm sóc sức khỏe của chúng ta dựa trên một thị trường tư nhân được cải cách, chứ không phải một chương trình chính phủ.
Mặt khác, ngay cả những người bạn của tôi trong đảng Cộng hòa phàn nàn nhiều nhất về chi tiêu của chính phủ cũng ủng hộ những con đường được liên bang; tài trợ, và các dự án năng lượng sạch, cũng như các văn phòng liên bang cho những người ở trong nước.
Vấn đề là tất cả chúng ta hẳn đều muốn một chính phủ thông minh hơn, có hiệu quả hơn. Và trong khi chúng ta có thể không có khả năng khắc phục được những bất đồng về triết học lớn nhất của chúng ta năm nay, chúng ta có thể đạt được tiến bộ thực sự. Có hay không có Quốc hội nầy, tôi sẽ tiếp tục những hành động giúp nền kinh tế phát triển. Nhưng tôi có thể làm nhiều hơn với sự giúp đỡ của quý vị. Bởi vì khi chúng ta cùng nhau hành động, không có gì mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không thể đạt được. Đó là bài học chúng ta nhận được từ những hành động của chúng ta ở nước ngoài trong vài năm qua.
Việc kết thúc cuộc chiến Irắc đã cho phép chúng ta giáng những đòn quyết định vào các kẻ thù của chúng ta. Từ Pakixtan đến Yemen, các mật vụ của Al Qaeda vẫn đang vật lộn, biết rằng chúng không thể thoát khỏi tầm kiểm soát của Mỹ.
Từ vị thế này về sức mạnh, chúng ta đã bắt đầu giảm dần cuộc chiến ở Ápganixtan. Hàng nghìn binh lính của chúng ta đã trở về nước. 23 nghìn quân nữa sẽ rút vào cuối hè năm nay. Việc chuyển tiếp này sang sự lãnh đạo của người Ápganixtan sẽ tiếp tục, và chúng ta sẽ xây dựng một mối quan hệ đối tác bền vững với Ápganixtan, để nước này sẽ không bao giờ lại trở thành một nguồn gốc của các cuộc tấn công chống nước Mỹ.
Khi cơn thủy triều chiến tranh rút dần, một làn sóng thay đổi đã quét qua khắp Trung Đông và Bắc Phi, từ Tuyni tới Cairô, từ Sana’a tới Tripoli. Cách đây một năm, Gaddafi đã là một trong những kẻ độc tài tại vị lâu nhất thế giới – một kẻ sát nhân tay vấy máu người Mỹ. Giờ đây, ông ta đã ra đi. Và ở Xyri, tôi không nghi ngờ là chế độ Assad sẽ sớm nhận ra rằng các lực lượng của sự thay đổi là không thế đảo ngược, và rằng không thể phủ nhận chân giá trị của con người.
Sự biến đổi không thể tin được này sẽ kết thúc như thế nào vần còn chưa chắc chắn. Nhưng chúng ta có phần lợi lớn trong kết quả. Và trong khi cuối cùng thì người dân khu vực này phải quyết định lấy số phận của họ, chúng ta sẽ ủng hộ những giá trị đã phục vụ rất tốt đất nước của chính chúng ta. Chúng ta sẽ chống lại bạo lực và sự hăm dọa. Chúng ta sẽ ủng hộ các quyền và chân giá trị của tất cả mọi người – nam giới và phụ nữ; người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo và người Do Thái. Chúng ta sẽ ủng hộ các chính sách dẫn đến các nền dân chủ mạnh mẽ và ổn định và các thị trường mở cửa, vì sự chuyên chế không tương xứng với tự do.
Và chúng ta sẽ bảo vệ an ninh của chính nước Mỹ chống lại những kẻ đe dọa người dân của chúng ta, bạn bè của chúng ta và các lợi ích của chúng ta. Hãy xem Iran. Thông qua sức mạnh của ngoại giao chúng ta, một thế giới đã từng bị chia rẽ về cách thức đối phó với chương trình hạt nhân của Iran hiện nay đồng lòng như một. Chế độ này bị cô lập hơn bao giờ hết; các nhà lãnh đạo của nó đối mặt với những hình phạt gây lụn bại, và chừng nào họ còn lẩn tránh trách nhiệm của họ thì sức ép này sẽ không giảm bớt.
Chúng ta không nên nghi ngờ: nước Mỹ quyết tâm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, và tôi sẽ không bỏ những sự lựa chọn nào khỏi bàn thương lượng để đạt được mục tiêu đó. Nhưng một giải pháp hòa bình cho vấn đề này vẫn còn khả năng, và tốt hơn nhiều, và nếu Iran thay đổi tiến trình đồng thời đáp ứng những nghĩa vụ của mình, họ có thể trở lại với cộng đồng các quốc gia.
Việc đổi mới sự lãnh đạo của Mỹ có thể được cảm nhận khắp toàn cầu. Các liên minh lâu năm nhất của chúng ta ở châu Âu và châu Á là mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các quan hệ của chúng ta với các nước châu Mỹ là sâu sắc hơn. Cam kết không thể hủy bỏ của chúng ta với Ixraen có nghĩa là sự hợp tác quân sự chặt chẽ nhất giữa hai nước chúng ta trong lịch sứ.
Chúng ta đã nói rõ rằng nước Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, và một sự khởi đầu mới ở Mianma đã thắp lên niềm hy vọng mới. Từ các liên minh chúng ta đã xây dựng để đảm bảo an toàn cho các nguyên liệu hạt nhân, đến những sứ mệnh chúng ta đã đi đầu chống lại nghèo đói và bệnh tật; từ những đòn chúng ta đã giáng vào các kẻ thù của mình đến sức mạnh lâu bền của tấm gương về đạo đức của chúng ta, nước Mỹ đang trở lại.
Bất cứ ai nói với quý vị điều ngược lại, bất cứ ai nói với quý vị rằng nước Mỹ đang sa sút hay ảnh hưởng của chúng ta đã suy giảm đều không biết họ đang nói gì.
Đó không phải là bức thông điệp mà chúng ta nhận được từ các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, những người mong muốn làm việc cùng chúng ta. Đó không phải là cảm nhận của mọi người từ Tôkyô đến Béclin, từ Cap Town đến Rio, nơi sự đánh giá về nước Mỹ cao hơn so với trong nhiều năm. Đúng, thế giới đang thay đổi. Không, chúng ta không thể kiểm soát mọi sự kiện. Nhưng nước Mỹ vẫn còn là một quốc gia không thể thiếu được trong các vấn đề thế giới – và chừng nào tôi còn là tổng thống tôi vẫn có ý định duy trì điều đó.
Đó là lý do tại sao, làm việc với các nhà lãnh đạo quân sự của chúng ta, tôi đã đề xuất một chiến lược quốc phòng mới đảm bảo chúng ta vẫn là quân đội tinh nhuệ nhất trên thế giới, trong khi tiết kiệm gần một nửa nghìn tỉ USD trong ngân sách của chúng ta. Để vẫn vượt lên các đối thủ của chúng ta một bước, tôi đã gửi cho Quốc hội này đạo luật sẽ bảo vệ cho đất nước chúng ta khỏi những nguy hiểm ngày càng tăng của các mối đe đọa trên không gian ảo.
Quan trọng hơn cả, quyền tự do của chúng ta bền vững vì các quân nhân nam, nữ bảo vệ nó Khi họ trở về nhà, chúng ta phải phục vụ họ cũng như họ đã phục vụ chúng ta. Việc đó bao gồm dành cho họ sự chăm sóc và những lợi ích mà họ được hựởng – điều là lý do tại sao chúng ta đã tăng chi phí cho các cựu chiến binh hàng năm trong mỗi năm tôi làm tổng thống. Và điều đó có nghĩa đưa các cựu chiến binh của chúng ta tham gia công việc xây dựng quốc gia.
Với sự ủng hộ của hai đảng trong Quốc hội này, chúng ta đang cung cấp các khoản khấu trừ thuế mới cho các công ty thuê các cựu binh. Michelle và Jill Biden đã làm việc với các doanh nghiệp Mỹ để đảm bảo một cam kết 135.000 việc làm cho các cựu chiến binh và gia đình họ. Và tối nay, tôi đề xuất một Đội tìm kiếm công ăn việc làm cho cựu chiến binh sẽ giúp các cộng đồng của chúng ta thuê các cựu chiến binh làm cảnh sát và lính cứu hỏa, để nước Mỹ hùng mạnh như những người bảo vệ đất nước này. Điều đó đưa tôi trở lại nơi tôi bắt đầu. Những người trong chúng ta được cử đến đây để phục vụ có thể học được một hai điều từ sự phục vụ của binh lính chúng ta. Khi các bạn khoác lên người bộ quân phục, không có gì là quan trọng dù bạn là da đen hay da trắng; người gốc châu Á, Mỹ Latinh hay người Mỹ bản xứ; bảo thủ hay tự do; giàu hay nghèo; đông tính hay không. Khi các bạn tiến vào trận đánh, các bạn để ý đến người bên cạnh mình, hoặc nếu không nhiệm vụ thất bại. Khi các bạn ở vào lúc sôi động nhất của cuộc chiến, các bạn đứng lên hay ngã xuống với tư cách là một đơn vị, phục vụ một quốc gia, không để lại ai ở phía sau.
Một trong những vật sở hữu đáng tự hào nhất của tôi là lá cờ mà Biệt đội đặc nhiệm (SEAL) đã mang theo cùng họ trong sứ mệnh tiêu diệt Bin Laden. Trên lá cờ đó là tên của họ. Một số có thể là người Dân chủ. Một số có thể là người Cộng hòa. Nhưng điều đó không quan trọng. Cũng như không quan trọng vào ngày hôm đó trong Phòng Tình huống, khi tôi ngồi bên cạnh Bob Gates – một người đã là Bộ trưởng quốc phòng của George Bush – và Hillary Clinton – một phụ nữ đã cùng tôi chạy đua chức tổng thống.
Tất cả những gì quan trọng vào ngày hôm đó là nhiệm vụ. Không ai nghĩ về hoạt động chính trị. Không ai nghĩ về bản thân mình. Một trong những thanh niên liên quan đến cuộc đột kích sau đó nói với tôi rằng anh không đáng được khen thưởng vì nhiệm vụ này. Anh nói, nhiệm vụ chỉ thành công vì cá nhân mọi thành viên của đớn vị đó đã làm công việc của họ – người phi công đã hạ cánh chiếc trực thăng bị mất kiểm soát; người phiên dịch đã giữ không cho những người khác vào khu nhà đó; những người lính đã tách phụ nữ và trẻ em ra khỏi trận đánh; những người lính đặc nhiệm đã leo lên cầu thang. Hơn thế nữa, nhiệm vụ chỉ thành công vì mọi thành viên của đơn vị đó tin tưởng lẫn nhau – vì anh không thể leo lên những cầu thang đó , bước vào bóng tối và hiểm nguy, trừ phi anh biết rằng có người nào đó ở sau anh, canh chừng phía sau anh.
Như vậy đó là với nước Mỹ. Mỗi lần tôi nhìn vào lá cờ đó, tôi được nhắc nhở rằng vận mệnh của chúng ta gắn chặt với nhau như 50 ngôi sao và 13 vạch này. Không ai một mình xây dựng đất nước này. Quốc gia này vĩ đại bởi vì chúng ta cùng nhau xây dựng nó. Quốc gia này vĩ đại bởi vì chúng ta đã làm việc như một êkíp. Quốc gia này vĩ đại bởi vì chúng ta quan tâm đến nhau. Và nếu chúng ta luôn tin tưởng vào chân lý đó, trong giờ phút thử thách này, thì không có thử thách nào là quá lớn; không có nhiệm vụ nào là quá khó khăn. Chừng nào mà chúng ta kết hợp cùng nhau vì mục đích chung, chùng nào chúng ta duy trì quyết tâm chung của chúng ta, thì hành trình của chúng ta sẽ tiến về phía trước, tương lai của chúng ta đầy hy vọng, và tinh trạng Liên bang của chúng ta sẽ luôn luôn mạnh mẽ. Xin cám ơn, cầu Chúa phù hộ cho quý vị và cho nước Mỹ./.

-st-