Showing posts with label Phat Trien Tu Duy. Show all posts
Showing posts with label Phat Trien Tu Duy. Show all posts

04 November 2012

“Ai lấy kho pho mát của tôi?”



Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi – đó là “Mọi thứ luôn thay đổi”. Vậy nếu bạn không phát triển chính mình để thích ứng với sự thay đổi của thế giới, có nghĩa bạn đang đi lùi. “Who Moved My Cheese” – một cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa và đã thay đổi rất nhiều quan niệm của tôi về sự thay đổi trong công việc.
 “Hãy tự di chuyển kho pho mát của mình”
Đây là bài học mà tôi luôn nhắc nhở mình phải áp dụng. Vì sao? Tôi đã từng cảm thấy “an toàn trong kho pho mát của mình” – đó chính là một công việc ổn định, thu nhập tốt. Cho đến một ngày, tôi nhận ra rằng, tôi không còn hào hứng khi nghĩ đến “kho pho mát” này vì nó không còn cả chất lẫn lượng. Nhưng chấp nhận sự thật đó để đi tìm một kho pho mát mới hoàn toàn không dễ dàng. Tôi phải đấu tranh với chính mình rất nhiều, cuối cùng tôi cũng phải dũng cảm dứt bỏ nó để ra đi. Một lần là đủ! Tôi không muốn mình rơi vào tình thế này lần thứ hai; chính vì vậy từ đó, tôi luôn trong tư thế “sẵn sàng để tìm những kho pho mát mới”.
“Ai lấy kho pho mát của tôi?” Nhưng có phải những lúc cần đi tìm “kho pho mát” ngon hơn có nghĩa là chúng ta phải làm lại hồ sơ và tìm kiếm việc mới ở những công ty mới?
Công việc mới thì đúng, nhưng không nhất thiết phải là công ty mới nếu bạn vẫn còn yêu công ty hiện tại.
Trước hết, hãy xem mình còn có thể làm được gì hơn nữa trong công việc hiện tại. Chủ động mở rộng phạm vi công việc hiện tại chính là cách hiệu quả để bạn “di chuyển kho pho mát”, dĩ nhiên bạn phải hoàn thành công việc chính của mình trước. Mở rộng phạm vi công việc có nghĩa là bạn học nhiều kỹ năng hơn, bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn; và quan trọng là bạn đem lại nhiều giá trị hơn. Giá trị bạn đem lại càng nhiều, cơ hội thăng tiến càng cao.
Thứ hai, hãy xem những cơ hội thăng tiến trong thời gian tới. Con đường nghề nghiệp của bạn sẽ đi theo hướng nào? Sắp tới, bạn có cơ hội để thăng tiến không? Nếu có, hãy biến kho pho mát cũ của mình thành kho pho mát mới tươi ngon hấp dẫn. Hỏi sếp bạn những tiêu chí cho vị trí mới, bạn cần phát triển thêm những kỹ năng nào? học thêm những kiến thức nào? và những thử thách nào để có thể đạt được vị trí đó. Chủ động hỏi và chủ động làm! Những nỗ lực của bạn sẽ không uổng phí. Hãy nhớ rằng cơ hội chỉ dành cho ai có sự chuẩn bị kỹ càng.
Tiếp theo, cơ hội chuyển đổi trong chính công ty hiện tại. Nếu công việc hiện tại của bạn không theo đúng đam mê, thế mạnh và mục tiêu nghề nghiệp của bạn; hãy tìm hiểu những cơ hội trong nội bộ trước. Nếu công ty bạn có chính sách cho phép chuyển đổi công việc, hãy nắm bắt những cơ hội này. Cách đây hơn hai năm, khi còn phụ trách bộ phận Chăm Sóc Khách Hàng, tôi đã ứng tuyển cho vị trí quản lý bộ phận Marketing, cũng tại VietnamWorks; và đến giờ này, tôi vẫn tin rằng, đây chính là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình. Tôi đã tìm ra “kho pho mát” mình yêu thích.
Khi không còn cơ hội nào, hãy nghĩ đến bên ngoài.
Để “MOVE your cheese” – di chuyển kho pho mát của mình, bạn cần:
Motivation – Hãy trả lời câu hỏi “Vì sao tôi muốn công việc này?” “Vì sao tôi cần một kho pho mát mới?” Hiểu rõ động lực của chính mình để chọn một hướng đi đúng đắn. Không phải “kho pho mát” nào cũng có mùi vị bạn thích. Không phải miếng pho mát nào cũng trả lời được câu hỏi “vì sao” của bạn. Một khi bạn chưa xác định rõ, bạn đừng nên vội vàng hành động.
Observation – Quan sát thật kỹ những gì diễn ra xung quanh. Chính vì sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, khả năng quan sát và sự nhạy bén sẽ giúp bạn nắm bắt xu hướng, chớp lấy cơ hội và có sự chuẩn bị cần thiết trước những thay đổi. Nếu bỏ qua những dấu hiệu quan trọng, bạn sẽ không biết được những thay đổi trong chính công việc của mình, và bỏ lỡ những cơ hội có được “kho pho mát” mới.
Value – Hãy mang lại giá trị cho người khác trước khi đòi hỏi được trả công bằng pho mát mới. Chỉ khi bạn tạo ra những giá trị người khác đang cần, bạn sẽ được tưởng thưởng. Và “kho pho mát” của bạn sẽ tỉ lệ thuận với giá trị bạn tạo ra.
Enthusiasm – Nhiệt huyết sẽ giúp bạn vượt qua những trở ngại trên con đường đi tìm pho mát mới. Tinh thần lạc quan sẽ chính là năng lượng cho hành trình của bạn. Và hãy nhớ rằng, bất cứ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng muốn có những con người đầy nhiệt huyết, tinh thần tích cực cho nhóm của mình, nhất là những vị trí quản lý.
Hà Huệ Chi

10 August 2012

Kỹ năng để không quên tên khách hàng



Trong kinh doanh, cho dù là một nhân viên bán hàng, tiếp thị hay là nhà quản lý, bạn sẽ phải tiếp xúc ghi nhớ hàng nghìn khách hàng khác nhau. Mặc dù có không ít các thiết bị công nghệ cho phép bạn lưu giữ các dữ liệu khác nhau, nhưng việc nhớ được tên trong đầu vẫn sẽ thuận lợi hơn cả.

Giả sử trong cuộc trò chuyện, bạn gặp một đối tác có trí nhớ rất tốt, họ nhớ cả tên vợ bạn, con gái bạn thậm chí các nhân viên của bạn, thì chắc bạn sẽ khâm phục và tin tưởng ở vào những người như vậy hơn.

Chắc chắn rằng việc nhớ tên khách hàng sẽ góp phần cải thiện đáng kể doanh số bán hàng. Tuy nhiên, không ít nhân viên bán hàng còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhớ rõ tên các khách hàng đã đến giao dịch. Quả thật, đây không phải là một việc dễ dàng chút nào, đặc biệt là khi bạn chỉ mới gặp khách hàng đúng một lần duy nhất.

Cũng như bất cứ hoạt động trí não nào khác, khi càng cố gắng nhớ tên một ai đó bao nhiêu, thì bạn càng dễ quên tên của họ bấy nhiêu. Mặc dù vậy, vẫn có một vài thủ thuật giúp bạn vượt qua cuộc chiến này :

1. Một trong những thủ thuật quan trọng nhất đó là bạn hãy lặp lại vài lần tên của khách hàng khi họ giới thiệu

“Xin chào Chris, thật vui được gặp bạn”. Khi nghe ai đó giới thiệu về họ, bạn hãy nghĩ đến một hình ảnh hay một yếu tố nào đó có thể giúp bạn nhớ rõ khuôn mặt của họ.

Ví dụ, khi gặp một khách hàng có vẻ thô lỗ, bạn có thể tự nhủ “Chris thật khó chịu”. Việc này sẽ giúp bạn kết nối giữa tên của khách hàng đó với hình thức bên ngoài cũng như tính cách của họ. Hoặc bạn có thể cố gắng liên hệ cái tên với một hình ảnh thân quen hay một nhân vật nổi tiếng nào đó. Nhờ vậy, việc nhớ tên họ trong những lần gặp tiếp theo sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Thách thức đáng xuất hiện khi chúng ta gặp gỡ ai đó lần đầu tiên. Rất nhiều người trong chúng ta thường quên ngay tên của một người nào đó sau khi gặp gỡ lần đầu.

Lý do rất đơn giản : bởi vì khi một ai đó giới thiệu về bản thân họ, mọi người thường có khuynh hướng nghĩ về lời giới thiệu tiếp theo của mình và những gì mà họ sẽ nói với khách hàng để tạo ra một ấn tượng tốt. Và trong một vài trường hợp, thậm chí, sự chú ý của bạn còn đặt ở một nơi nào đó khác xa với câu chuyện đang diễn ra.
Kỹ năng để không quên tên khách hàng

2. Bước tiếp theo là sử dụng tên của khách hàng một vài lần trong cuộc hội thoại

Hành động này sẽ giúp bạn nhớ tên một cá nhân nào đó trong suốt thời gian trò chuyện và trong một thời gian ngắn sau đó.

Cách thức dễ dàng để làm được điều này là bạn lồng tên của họ vào trong những câu hỏi của mình. Chẳng hạn: “Thưa anh Jim, loại hình kinh doanh của công ty anh là gì?”. Đây là một cách thoải mái và dễ chịu. Song bạn cần chú ý rằng đừng quá lạm dụng tên của khách hàng nếu không bạn tạo ra cảm giác là một người không chân thật và có phần thiếu lịch sự.

3. Khi bạn quay trở lại với công việc, hãy ghi lại những thông tin của người khách hàng vừa gặp mặt, bao gồm cả các thông tin cá nhân hay liên quan đến kinh doanh mà bạn vừa thu nhận được

Nếu người khách hàng đó nói hay làm một điều gì đó nổi bật, bạn cũng cần ghi lại ngay.

Những nhân viên bán hàng chuyên nghiệp thường lấy sổ tay ghi lại tên của bất kỳ ai, kể cả việc đã gặp người đối thoại trong trường hợp nào. Bạn cũng nên làm như thế và thỉnh thoảng nên xem lại, nhất là khi bạn sắp dự một cuộc họp và biết chắc là sẽ gặp lại khách hàng ở đó.

Trong khi làm việc này, bạn hãy hình dung về người đó và lặp lại tên của họ một vài lần. Nhờ vậy bạn sẽ ghi sâu tên người đó vào tâm trí và việc nhớ tên trong lần gặp tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.

4. Để nhớ tên một ai đó vào bất cứ lúc nào trong tương lai sẽ đòi hỏi một vài công việc bổ sung. Bạn cần phác hoạ trong tâm trí của bạn khuôn mặt của người đó khi lặp lại tên của họ một vài lần

Hành động này nên được thực hiện tối thiểu ba lần trong một tuần trong vài tháng đầu tiên. Có vẻ như vậy là quá nhiều, nhưng đây là cách thức kỳ hiệu quả và để đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ nhớ được tên khách hàng trong lần gặp gỡ tiếp theo.

5. Khung cảnh sẽ giúp bạn nhớ tên một ai đó

Ví dụ, bạn có thể nhanh chóng nhớ tên một khách hàng đã ghé thăm và mua sắm tại cửa hàng của bạn, nhưng nếu tại một nơi khác như buổi hội thảo hay trung tâm thương mại lớn, chắc hẳn bạn sẽ khó để nhớ tên người đó hơn nhiều nếu gặp lại.

Sở dĩ như vậy là vì chúng ta luôn có khuynh hướng nhớ lại khung cảnh nơi mà chúng ta đã gặp gỡ ai đó. Một khi không nhớ được khung cảnh thì bản thân thông tin về người đó sẽ rất khó nhớ lại.

Điều này có nghĩa rằng bạn nên dành thời gian ghi nhớ khung cảnh nơi mà bạn gặp gỡ người khách hàng đó. Hãy hình dung nơi mà bạn đã gặp họ trong quá khứ và mường tượng họ trông như thế nào trong hoàn cảnh đó.

6. Thủ thuật cuối cùng là đặt trọng tâm vào việc nhớ người đó hơn là nhớ tên riêng của anh ta

Mọi người hầu như đều bỏ qua việc bạn quên mất tên họ nếu bạn vẫn nhớ khuôn mặt của họ.

Trong trường hợp có một khách hàng nào đó đã mua sắm tại cửa hàng của bạn, hay thậm chí đã gặp bạn ở một nơi nào đó, nhưng bạn vẫn không thể nhớ tên của họ. Hãy thừa nhận rằng: “Tôi vẫn nhớ anh, nhưng xin lỗi tôi không thể nhớ ra tên của anh. Chúng ta đã gặp nhau ở ... phải không”. Chắc hẳn nếu bạn nói như vậy, thì người khách hàng sẽ không cảm thấy thất vọng khi bạn quên mất tên của họ.

Không quá khó để nhớ tên một ai đó, nếu bạn gặp gỡ hàng chục lần mỗi tuần. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nhiều, nếu bạn nhớ được tên khách hàng chỉ sau duy nhất một lần gặp gỡ. Đây luôn là một việc khó khăn.

Tuy nhiên, cũng như bất cứ nhiệm vụ nào khác, chúng ta đều có thể cải thiện đáng kể khả năng của mình. Việc này chỉ đỏi hỏi ở bạn đôi chút nỗ lực và sự tích cực thực hành thì chắc chắn bạn sẽ đạt được kết quả khả quan.

Nguồn : Doanhnhan.Asia

03 July 2012

5 cách để “nghĩ ngoài chiếc hộp”


SGTT Nguyệt san - Trong nhiều trường hợp tôi muốn tìm ra những ý tưởng và phương pháp giải quyết vấn đề “bên ngoài chiếc hộp”. Nhưng cũng như rất nhiều người khác, tôi cảm thấy không dễ gì thoát khỏi lối mòn. Và chúng ta hầu như không thể tư duy đột phá và sáng tạo kiểu như CEO lừng danh Steve Jobs của hãng Apple đã tạo ra iPod, iPhone... Vì thế tôi đi tìm những cách thức giúp một người bình thường có thể “think out of box” dễ dàng hơn. Sau đây là 5 cách.
1. Thay đổi ngành nghề
Hãy gặp và hỏi thăm ý kiến, góc nhìn từ những người làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, nghĩ theo cách của họ. Mỗi người mỗi ngành sẽ nhìn theo cách của họ, thế là bạn có những ý kiến “ngoài chiếc hộp nghề nghiệp” của bạn. Cùng một sản phẩm chẳng hạn, người hoạ sĩ sẽ nhìn ở góc độ mỹ thuật, cái đẹp. Người kỹ sư sẽ quan tâm đến thiết kế, chất lượng. Vận động viên lại chỉ quan tâm đến tốc độ, cách thức hoạt động của sản phẩm đó.
Thomas Friedman, nhà báo lừng danh, tác giả Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ôliu gọi đó là nhìn sự vật qua những lăng kính khác nhau. Ông từng làm việc ở các bộ phận kinh tế, ngoại giao, các vấn đề Trung Đông ở tờ The New York Times. Nhờ vậy ông có thể phân tích một vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau.
2. Thay đổi số lượng/kích thước…
Ở đây tôi nêu một nguyên tắc “Tối thiểu hoá – Tối đa hoá” của môn học “Phương pháp luận sáng tạo – TRIZ” do GS Phan Dũng trường đại học Khoa học tự nhiên giảng dạy. Nguyên tắc này sẽ giảm/thu nhỏ số lượng/kích thước/yêu cầu tới mức không thể giảm được, và tăng lên một con số thật lớn, thật bất thường.
Nếu bạn được giao một công việc phải thực hiện và phải tính ngân sách. Thử tưởng tượng nếu ngân sách bằng 0, hoặc ngân sách 1.000 tỉ, bạn sẽ thực hiện nó như thế nào. Từ đó bạn sẽ nghĩ ra những cách “khác thường” rồi điều chỉnh lại để phù hợp thực tế hơn.
Chẳng hạn với chiếc tivi, khi tối thiểu hoá kích thước bề dày màn hình, sẽ ra màn hình siêu mỏng. Thu nhỏ hết mức, sẽ nghĩ ra chiếc điện thoại có chức năng tivi. Nhiều kỷ lục Guinness cũng được lập ra bằng cách này “to nhất, nhỏ nhất, nhiều nhất…”
3. Thay đổi thời gian
Thay vì bạn đang ở hiện tại để tìm giải pháp, hãy nghĩ nếu bạn đang ở thời 1.000 năm trước Công nguyên, chưa có điện nước hay công cụ gì hết, người ta sẽ làm gì để giải quyết. Hay nếu bạn đang ở 1.000 năm sau 3010, trình độ khoa học kỹ thuật vượt bậc, người ta sẽ hành xử thế nào?
Với cách này, chẳng hạn nếu bạn là nhà thiết kế thời trang, khi về thời Trung cổ, bạn sẽ nghĩ ra nhiều mẫu quần áo làm bằng vỏ cây, tơ nhện… với những thiết kế có hoa văn của da ngựa vằn, rắn hổ mang… Khi đi đến tương lai, bạn sẽ nghĩ ra những mẫu quần áo có thể thay đổi màu sắc, hoa văn tuỳ thuộc vào thời điểm sáng chiều tối, hay thậm chí thay đổi kiểu dáng tuỳ vào người bạn gặp.
4. Thay đổi không gian
Hãy đi đến những miền đất lạ, những đất nước mới để khám phá những nền văn hoá khác. Ở đó, người ta sẽ nghĩ và làm theo những cách khác hẳn cách bạn nghĩ, từ đó bạn có thể tìm thấy những cách thức sáng tạo hơn.
Chẳng hạn ở Việt Nam bạn nghĩ “ngu như bò”, sang Ấn Độ họ lại nghĩ khác “thiêng như bò” vì bò là một con vật linh phải được tôn trọng tối đa. Ở đây để lắp ráp một máy móc gì, ta có công nhân để làm việc đó, nhưng sang Nhật, họ lại muốn dùng… robot để tăng tốc độ và sự chính xác. Khá nhiều nhà kinh doanh, kỹ sư, nhà quản lý hay cả copywriter, đạo diễn dùng cách này để học hỏi những giải pháp từ các nước khác.
5. Thay đổi cách nghĩ
Paul Arden – giám đốc sáng tạo của tập đoàn quảng cáo Saatchi & Saatchi nước Anh có viết một quyển sách What ever you think, think the opposite – tạm dịch “Mỗi khi bạn nghĩ, hãy nghĩ ngược lại cách trước đây thường nghĩ” để chỉ cách tìm ra những ý tưởng sáng tạo. Cách này để tránh những phương pháp thói quen ta thường xuyên lặp lại.
Chẳng hạn trước đây bạn phải đi cưa cẩm các cô gái xinh đẹp nhưng không thành công, giờ hãy nghĩ cách làm sao để các cô ấy phải quan tâm tới bạn. Trước đây bạn hành động nhanh, ít suy nghĩ, thì giờ hãy chậm lại, lập kế hoạch trước khi hành động. Và ngược lại, nếu trước đây bạn hay cẩn thận quá, nghĩ nhiều mà ít làm, giờ hãy chú tâm vào hành động.
***
Sau khi thử vận dụng hết cả năm cách này cho bất cứ vấn đề gì, dù là trong công việc kinh doanh, nghệ thuật, hay thậm chí là tình yêu thì chắc chắn bạn sẽ tìm ra khá nhiều cách khác lạ và không có giới hạn. Để tiếp tục áp dụng chúng hiệu quả vào thực tế, lúc đó cần tiếp sự linh hoạt và kiến thức của bạn trong lĩnh vực đó.
Bùi Đức Minh
SGTT

Think outside of the box: Tư Duy Vượt Khỏi Chiếc Hộp


 

Think outside of the box: Tư Duy Vượt Khỏi Chiếc Hộp


Vào năm 1969, John Adair đã giới thiệu một trò chơi đã làm đau đầu nhiều nhà thông thái, đó là nối 9 điểm bằng 4 đường thẳng liên tục và không nhấc bút khỏi mặt giấy. Bạn có giải được câu đố này không?




Nếu bạn chỉ nghĩ đến những đường kẻ bao xung quanh cả 9 điểm như một chiếc hộp thì bạn sẽ không bao giờ có thể nối được các điểm đó lại với nhau. Tuy nhiên, nếu bạn thử nghĩ cách kẻ những đường thẳng ra ngoài “chiếc hộp” đó thì mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Và từ đó câu thành ngữ: “Think outside the box” ra đời.

Câu thành ngữ này có nghĩa là phải sáng tạo trong suy nghĩ, không suy nghĩ theo lối mòn tư duy và những định kiến trong xã hội. Box (chiếc hộp) ở đây có ngụ ý là những định kiến, những suy nghĩ sẵn có, nó bao bọc lấy tư duy và suy nghĩ của con người, giới hạn khả năng tưởng tượng của chúng ta. Phần bên trong chiếc hộp là có giới hạn, còn phần bên ngoài chiếc hộp là vô hạn. Nếu chúng ta có thể suy nghĩ ra ngoài chiếc hộp thì khả năng sáng tạo của chúng ta sẽ là vô biên.



Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh, nếu chúng ta cứ suy nghĩ mãi theo một hướng thì đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy bế tắc và không có hướng giải quyết. Nhưng nếu thử suy nghĩ theo một chiều hướng khác đi, chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên đơn giản vô cùng. Nếu bạn biết nhìn xa trông rộng và xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh thì vấn đề sẻ được giải quyết một cách hiệu quả hơn rất nhiều.

Chính vì thế, để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn phải luôn nhớ một điều là hãy "think outside the box" để có được cái nhìn sáng suốt trước mọi vấn đề và vướng mắc nảy sinh trong cuộc sống.

Đoạn video dưới đây của chuyên gia Dennis Gilbert sẽ là một ví dụ minh họa điển hình về việc rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy theo một chiếu hướng mới.

 
Tư duy ngoài "chiếc hộp" cần những tố chất sau:
- Sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới hàng ngày
- Sẵn sàng làm những việc khác nhau và dám làm theo những cách chưa ai làm
- Tập trung tìm hiểu những ý kiến mới và theo đuổi những ý kiến đó
- Tìm ra những giá trị mới của vấn đề cũ mà chưa ai thấy
- Biết lắng nghe người khác
- Biết hỗ trợ và tôn trọng người khác khi họ đưa ra những ý kiến khác lạ, thậm chí là "điên rồ"
Những người có tư duy ngoài "chiếc hộp" thường là những người dám đón nhận cái mới, nhìn nhận công việc bằng những lăng kính mới, sẵn sàng bỏ thăm dò và tìm hiểu những điều mới mẻ đó. Họ tin rằng những ý tưởng mới dù có thể chưa thuyết phục được phần đông nhưng họ vẫn nuôi dưỡng và ủng hộ ý tưởng của mình. Họ nhận thấy rằng có được ý tưởng là điều tốt nhưng thực hiện ý tưởng còn quan trọng hơn nhiều.
Tư duy bên ngoài "chiếc hộp chưa bao giờ là việc đơn giản và không phải ai cũng có thể có được, có thể theo đuổi. Thành công chỉ đến với những người dám nghĩ và dám làm.
Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe nói đến Copernicus là người đưa ra học thuyết trái đất quay xung quanh mặt trời còn Gallileo dám mạnh dạn ủng hộ quan điểm này ngay cả khi chết với câu nói: "Dù sao thì trái đất vẫn quay". Vào thời điểm đó, có thể ông là một trong những người, thậm chí là người duy nhất dám vượt rào cản của cả hệ thống tư duy thời bấy giờ khi tất cả đều thừa nhận mặt trời quay xung quanh trái đất. Nếu không có tư duy vượt giới hạn cả về không gian và thời gian, không dám theo đuổi ý tưởng của mình thì không biết đến bao giờ loài người mới thoát khỏi ảo tưởng trái đất là trung tâm của vũ trụ.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, trong một tổ chức và đối với những nhà quản lý, hoạch định chính sách. Ngoài việc phải nỗ lực tìm kiếm ý tưởng, họ phải biết tạo dựng một môi trường nuôi dưỡng ý tưởng, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với ý tưởng.
Việc tư duy theo lối mòn sẽ huỷ hoại thành công đã tạo dựng của bạn. Bạn cần phải biết thay đổi. Phải biết rằng không có gì là tốt nhất. Có thể điều gì đó với bạn lần này là tốt nhất nhưng lần sau sẽ tốt hơn. Và lần sau nữa, điều đó còn tốt hơn nữa. Người Mỹ có câu nói nổi tiếng: "Sống là để thay đổi".
Hẳn nhiều người trong chúng ta biết đến Michael Dell, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn sản xuất máy tính nổi tiếng thế giới Dell. Dell Computer được thành lập với số vốn ban đầu chỉ 1.000 USD và một ý tưởng chưa từng có: bán các chương trình trực tiếp cho người tiêu dùng, bỏ qua khâu bán hàng trung gian, một điều mà không hãng máy tính nào lúc đó làm. Kết quả là từ người cung cấp máy tính, Công ty Dell chuyển sang sản xuất máy tính, chuyển sang tập đoàn Dell hùng mạnh với khoảng 41.800 chi nhánh khắp thế giới và là nhà cung cấp các dịch vụ và linh kiện máy tính đầu tiên cho các tập đoàn lớn nhất trên thế giới.
Tư duy ngoài "chiếc hộp" là một khái niệm có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong thế giới hiện tại luôn thay đổi và các ý tưởng đang ngày càng cạn kiệt hơn. Sẽ không quá khi nói rằng trên thế giới đang có cuộc chiến về ý tưởng. Có thể vào thời điểm đưa ra, một ý tưởng bị coi là điên rồ nhưng không chừng trong tương lai nó lại là cứu cánh cho cả tập đoàn hay cả cuộc đời một người.
Và quan trọng nhất, bạn hãy biết trân trọng khả năng sáng tạo của mình. Đừng xây quanh mình "chiếc hộp" hạn chế tư duy.
                                               Theo: VietNamNetJobs

5 cách để “nghĩ ngoài chiếc hộp”

28 June 2012

Doanh nhân Việt và tư duy “think out of box”

Doanh nhân Việt và tư duy “think out of box


picture Hình như với không ít người Việt chúng ta, trong đó có cả giới doanh nhân, sự thử nghiệm cái mới vẫn còn là điều cấm kỵ? 
Một ngày cuối năm ngoái, sau khi vật vã với việc tổ chức ăn trưa cho một cuộc họp tại công ty, tôi có viết bài “Ý tưởng hay là điểm tựa cho thương hiệu lớn” trên một trang báo điện tử khá nổi tiếng.

Chủ đề chính là thảo luận về tình hình thị trường cơm hộp ở các thành phố lớn hiện nay, những điều khách hàng chưa được thỏa mãn với cơm hộp hiện tại, và lời gợi ý cho một sản phẩm “cơm hộp” nâng cấp.

Tôi nhận được nhiều comment, thậm chí nhiều bạn đã trực tiếp liên hệ với tôi để trao đổi về tính khả thi của ý tưởng đó, trong đó một số bạn cho rằng sự gợi ý của tôi là “bất khả thi, mặc dù nghe thì hay”. Có nhiều lý do để phản bác đã được các bạn đưa ra.

Thật sự, tôi không bất ngờ về những phản bác đó. Từ vài năm trước, khi tham gia đào tạo các khóa về kinh doanh cho các doanh nghiệp, mỗi khi gợi ý học viên về những ý tưởng kinh doanh mới, câu trả lời thường xuyên của các học viên thường là: “Hay đấy, nhưng sợ không khả thi”.

Hình như với không ít người Việt chúng ta, trong đó có cả giới doanh nhân, sự thử nghiệm cái mới vẫn còn là điều cấm kỵ?

Không ít người trong số chúng ta (đặc biệt những người đã được đào tạo ở nước ngoài, hoặc được đào tạo ở các công ty đa quốc gia) đã biết đến thuật ngữ “Think out of box” - tạm dịch: “Suy nghĩ phá lệ”.

Nói một cách dễ hiểu, là muốn sáng tạo, muốn có những cú đột phá trong kinh doanh, thì hãy đừng tự trói suy nghĩ của mình vào một rào cản nhất định, do chính mình đặt ra.

Đã nhiều lần tôi được nghe các doanh nhân và giảng viên nước ngoài nhận xét: “Người Việt Nam học hỏi rất nhanh, nhưng hay đặt rào cản quá”. Tôi hiểu ý họ, và thật lòng khá buồn. Buồn vì họ nhận xét đúng!

Tôi xin lấy một ví dụ  nhỏ: đồ gốm sứ Bát Tràng rất được khách Nhật ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp Bát Tràng đã gửi chào hàng tới Nhật Bản qua nhiều kênh xúc tiến thương mại khác nhau. Tuy nhiên, đơn đặt hàng không nhiều.

Nguyên nhân không phải do hàng hóa chất lượng thấp, hoặc giá cao. Mà đơn giản: các nhà sản xuất chỉ làm theo bộ số lượng lớn (6-10 cái bát ăn cơm, kèm vài cái đĩa chẳng hạn) - đây là một bộ bát đĩa cho một hộ gia đình 4 người thường thấy ở Việt Nam.

Trong khi đó, quy mô gia đình ở Nhật lại rất nhỏ (chỉ từ 1-3 người), không gian sống ở các thành phố Nhật quá nhỏ, nên họ chỉ cần mua một bộ gồm 2-4 cái bát ăn cơm nhỏ.

Chẳng biết các nhà sản xuất Bát Tràng và các cơ quan xúc tiến thương mại của ta có biết không, nhưng hiện tượng này đã xảy ra từ lâu, và “vũ như cẫn” đến tận bây giờ.

Henry Ford - nhà sáng lập ra hãng ôtô Ford lừng danh, doanh nhân mà tôi ngưỡng mộ nhất, đã nói khi sáng chế ra chiếc ôtô Ford Model T: “Nếu tôi hỏi người tiêu dùng cần gì, họ sẽ nói họ cần một chiếc xe ngựa chạy nhanh hơn”.

Nếu Ford cũng nghĩ như người khác, thì chắc chúng ta sẽ không có những chiếc ôtô như ngày nay.

Một bài báo trên VnEconomy gần đây có nhắc đến Phở 24 và VietMac - một loại cơm văn phòng kiểu mới. Phở 24 đã quá quen thuộc, nhưng còn VietMac - phải chăng đây là sản phẩm của “think out of box”?

Tôi đã truy cập vào trang web của nhà sản xuất, và biết đây là một dạng “McDonald’s kiểu Việt”. Sản phẩm của họ là cơm hộp nâng cấp, được đóng gói như fast-food. Nhờ sự cải tiến (mà tôi nghĩ là rất nhỏ) này, họ đã đảm bảo được tính vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục được mùi khó chịu của hộp cơm, và đảm bảo cơm nóng cho tới tay khách hàng nhờ lò vi sóng.

Tôi không nghĩ đây là ý tưởng có sự đột phá về tư duy, vì thực ra trên thế giới đã có sản phẩm rice-burger, loại bánh hamburger làm từ gạo được dân châu Á rất thích. McDonald’s cũng có sản phẩm này, MOS Burger - thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản cũng bán rice-burger, bán đầy ở các cửa hàng thực phẩm ở Nhật, Thái Lan, Singapore, Malaysia…

Nhưng, tôi đánh giá cao ý tưởng sản phẩm này vì nhà sản xuất biết uyển chuyển áp dụng cho thị trường ở Hà Nội. Họ không đi theo lối mòn là sản xuất thức ăn nhanh để cạnh tranh với các ông lớn trong ngành fast-food, mà chuyển hóa sản phẩm thành một thứ “cơm hộp nâng cấp”. Đồng thời, họ cũng không cố gắng nâng cấp cái hộp cơm - điều mà các nhà sản xuất khác đang hướng tới, mà cải tiến nó về chất.

Hãy đừng tự trói mình vào một rào cản nào đó. Sáng tạo là vốn quý nhất của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh hiện nay, nhưng sáng tạo chỉ có khi chúng ta “think out of box”.

Phải chăng, cũng chính vì tư tưởng “không thể làm được” rất phổ biến trong suy nghĩ đã ngăn cản sự sáng tạo, để đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có nhiều thương hiệu lớn?

* Tác giả bài viết là Phó giám đốc Công ty Thời trang Thiên Quang.