1. Sam Walton – Sáng lập Wal-Mart
Trước khi sáng lập tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, Sam Walton từng
đi bán báo và vắt sữa bò thuê để kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ. Gia đình
ông sống trong điền trang tại Oklahoma vào giai đoạn suy thoái những
năm 1930.
Năm 26 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học Missouri với bằng cử nhân kinh
tế, Sam đã dùng 5.000 USD tiền lương tiết kiệm từ khi nhập ngũ và vay bố
vợ 20.000 đôla để mua chuỗi cửa hàng Ben Franklin tại bang Arkansas.
Ngay sau đó, ông mở rộng và biến chúng thành gã khổng lồ Wal-Mart ngày
nay cùng hệ thống cửa hàng Sam’s Club. Sam Walton qua đời năm 1992, để
lại toàn bộ tài sản cho vợ cùng các con.
2. Tỷ phú dầu mỏ Roman Abramovich
Abramovich mồ côi mẹ khi mới 18 tháng tuổi.
Cha cũng qua đời trong một tai nạn lao động khi ông mới lên 4. Sau đó,
Abramovich được người chú cùng bà ngoại nuôi dưỡng, tuổi thơ của ông rất
khó khăn.
Ngày còn trẻ, vị tỷ phú này rời đại học giữa chừng để theo đuổi đam mê
kinh doanh với bước khởi nghiệp là bán vịt nhựa trong một căn hộ ở
Moscow. Năm 1995, Abramovich giàu lên nhờ thâu tóm thành công hãng dầu
lửa Nga Sibneft với giá hời. Sau đó ông tiếp tục mở rộng đầu tư sang các
lĩnh vực công nghiệp nặng như nhôm, thép… Hiện ông cũng là người sở hữu
du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới.
3. Ingvar Kamprad – Sáng lập IKEA
CEO hãng đồ dùng gia đình số một thế giới IKEA sinh ra và lớn lên trong
một nông trang thuộc vùng quê nhỏ. Tuy nhiên, ngay từ bé ông đã luôn
thể hiện óc kinh doanh nhạy bén, chẳng hạn mua những món đồ phù hợp thị
hiếu sử dụng của người dân quanh làng và bán lại cho họ. Sau này, Ingvar
mở rộng thị phần sang các sản phẩm khác như cá, dịch vụ trang trí cây
thông và bút viết.
Chưa thỏa mãn, Ingvar Kamprad quyết tâm
đánh liều vay tiền bố để sáng lập công ty dịch vụ kinh doanh đặt hàng
qua thư mà sau này trở thành thương hiệu IKEA lừng danh thế giới. Tới
nay, IKEA lại đặc biệt nổi tiếng trong lĩnh vực đồ dùng gia đình, Ingvar
cũng thuê các nhà sản xuất địa phương để giữ giá luôn ở mức phải chăng.
Dù năm qua trị giá tài sản ròng của Ingvar sa sút đáng kể nhưng ông vẫn
có tên trong danh sách người giàu nhất thế giới với 6 tỷ USD.
4. Leonardo Del Vecchio – CEO Ray-Bans và Oakleys
Ngay từ nhỏ, Del Vecchio phải sống trong trại trẻ mồ côi vì người mẹ
góa không đủ khả năng nuôi dưỡng cả 5 người con, trong đó có ông. Sau
này, ông xin vào làm công nhân cho một nhà máy sản xuất khuôn kính mắt
tự động. Đây cũng là nơi Del Vecchio bị mất một phần ngón tay do tai nạn
lao động.
Ở tuổi 23, ông đã kịp mở một cửa hiệu riêng chuyên bán kính mắt thời
trang. Hiện tại, 2 thương hiệu Ray-Ban và Oakley do Leonardo Del Vecchio
sở hữu có tới 6.000 chi nhánh trên khắp toàn cầu. Giá trị ròng tài sản
của vị CEO này ước tính lên tới 10 tỷ USD.
5. Tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka-shing
Gia đình Li rời Trung Quốc sang Hong Kong vào năm 1940, sau đó cha qua
đời vì bệnh lao khi Li mới 15 tuổi, khiến cậu bé phải bỏ học và đi kiếm
tiền giúp gia đình. Công việc ông từng trải qua là làm túi và hoa nhựa
để xuất khẩu sang Mỹ.
Năm 1950, Li bắt đầu khởi nghiệp và thành lập công ty riêng thuộc lĩnh
vực sản xuất nhựa. Sau này, ông có bước tiến dài hơn khi tiếp tục khai
thác thị trường bất động sản, ngân hàng, viễn thông, vật liệu xây dựng,
khách sạn… Hiện nay, Li được xem là người giàu nhất châu Á với tổng tài
sản năm 2012 lên tới 25,5 tỷ USD.
6. Howard Schultz – CEO Starbucks
Khi còn nhỏ, Howard sống ở Brooklyn trong một gia đình khó khăn và ông
luôn khao khát thoát khỏi cảnh nghèo. May mắn mỉm cười với Howard khi
ông nhận học bổng vào Đại học Northern Michigan.
Sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân ngành truyền thông, Howard xin vào
làm việc cho Công ty Xerox suốt 7 năm. Tới năm 1982, cuộc đời ông thay
đổi khi được nhận vào Starbucks và thăng chức giám đốc điều hành 5 năm
sau đó. Hiện nay, Starbucks có 16.000 chuỗi cửa hàng bán lẻ khắp thế
giới, góp phần nâng trị giá tài sản của Howard lên 1,1 tỷ USD.
7. Sheldon Adelson – CEO Sands Hotel & Casino
Tuổi thơ của Adelson gắn với khu chung cư cũ kỹ, nhà có 6 người và tất
cả ngủ chung trên một chiếc giường. Bố ông là người Lithuania, một quốc
gia thuộc vùng Baltic, làm nghề lái taxi, còn mẹ đan len để bán. Adelson
bắt đầu rao báo kiếm tiền phụ giúp gia đình từ khi mới 12 tuổi, vài năm
sau ông chuyển sang vận hành các máy bán hàng tự động.
Adelson từng thử sức trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đóng gói xà
phòng trong khách sạn cho tới môi giới vay nợ trả góp. Hiện tại, ông là
CEO của hệ thống khách sạn – sòng bạc lớn nhất nước Mỹ Sands Hotel & Casino, đồng thời quản lý casino danh giá The Venetian, Las Vegas.
Tường Vi (theo Business Insider)
No comments:
Post a Comment