14 June 2012

'Tướng' người Việt của IBM toàn cầu: Dám nghĩ dám làm mới có cơ hội

(DN) "Hãy suy nghĩ như một công dân toàn cầu nhưng hãy là một cá nhân có bản sắc", đó chính là chia sẻ đầy tâm huyết của ông Bùi Tiến Dũng, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh của Tập đoàn IBM.

Rời bàn làm việc, tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam
- Là người được đào tạo về kỹ thuật, cơ duyên nào đưa anh trở thành một thành viên trong bộ máy kinh doanh của IBM?
Khi mới vào Công ty IBM, tôi là một kỹ sư thiết kế điện tử làm việc thuần túy về kỹ thuật tại phòng thí nghiệm Rochester của IBM. Tuy nhiên sau một năm làm việc, tôi nhận thấy mình còn có khả năng thích hợp với lĩnh vực bán hàng và tiếp thị. Tôi đã xin chuyển qua làm về marketing và sales. Ngay sau khi tôi làm tốt ở vị trí bán hàng, tôi đã mạnh dạn nêu lên nguyện vọng được làm ở vị trí cao hơn. Sau 2 năm làm sales với kết quả khả quan, tôi được đưa lên làm quản trị và được chọn là "Sales Manager of The Year" (Giám đốc bán hàng tiêu biểu trong năm) của vùng Trung - Đông nước Mỹ. Sau đó tôi được đề cử đi làm Giám đốc marketing (Director of Marketing) tại trụ sở chính của IBM ở New York trong 3 năm. Kế tiếp tôi được thăng chức lên làm Phó Chủ tịch phụ trách phân khúc thị trường bậc trung (mid-market) của IBM ở Nam Mỹ. Đây cũng là cơ hội để tôi tích lũy thêm kinh nghiệm tại nhiều thị trường khác nhau. Sau gần 3 năm ở Nam Mỹ, tôi sang Tây Ban Nha để quản lý kinh doanh cho một phần thị trường IBM Âu Châu. Sau đó tôi trở về Mỹ đảm nhiệm các vị trí quản lý cao hơn ở các thị trường rộng hơn của IBM.
- Anh cũng là người dám nghĩ khác, làm khác, dám nêu ý kiến của mình?
Đúng. Ở các nước Âu Mỹ, tôi thấy việc này là bình thường. Mình phải chủ động, dám nghĩ và dám làm thì người ta mới trao cho mình cơ hội. Nhưng trước đó mình phải chứng tỏ là mình có khả năng làm việc hiệu quả.
- Anh là người sinh ra ở Việt Nam, lớn lên và đi làm tại Mỹ, bắt đầu từ vị trí nhân viên và hiện nay đã lên vị trí cao cấp Công ty IBM. Nhìn lại một chặng đường dài, với anh, đâu là những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp?
Cột mốc đầu tiên là trở thành nhân viên bán hàng. Chỉ khoảng hơn 1 năm sau tôi trở thành sales manager, khi đó tôi khoảng 30 tuổi. Người Việt ở nước ngoài thì thường thành công trong lĩnh vực kỹ thuật; còn tôi thì chọn lĩnh vực kinh doanh – một con đường ít người đi hơn lúc đó.
Cột mốc quan trọng thứ hai là khi tôi đi New York, làm cho IBM ở trụ sở chính. Tôi làm việc tốt và được thăng tiến lên vị trí Sales Executive rồi Director of Marketing… Từ vị trí này tôi còn phụ trách nhiều thị trường hơn ngoài thị trường Mỹ. Tôi nhớ khi IBM loan báo có người Việt Nam sẽ về phụ trách ở thị trường Nam Mỹ, nhiều người đã nói thẳng: sao lại để một người Việt phụ trách thị trường này? Tôi vui vì tên Việt Nam được nhắc đến và người Việt mình cũng đã có một chỗ đứng quan trọng, được nể trọng. Rồi dần dà tôi đã tạo được sự tin tưởng của những đồng nghiệp ở Nam Mỹ. Và nhiều người trong số này bây giờ đã trở thành bạn thân. Nhờ kết quả khả quan từ vị trí này, tôi tiếp tục luân chuyển sang những thị trường khác như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ… Từ đó tôi có nhiều cơ hội hiểu biết về văn hóa, xã hội ở từng nước và có một cái nhìn toàn cầu hơn.
- Anh nói mình đã làm việc hơn 30 năm ở IBM. Điều này là vì anh kiên định trên một con đường? Hay đó là… điểm yếu của anh - ngại thay đổi?
Ở IBM, môi trường làm việc rất tốt và tôi cũng thấy cũng có nhiều người gắn bó với công ty lâu dài. Làm việc ở đâu cũng vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là mình yêu thích công việc và có một lộ trình rõ ràng. Tôi cũng là một người chấp nhận thay đổi, nhưng thay đổi chủ động theo hướng tôi mong muốn. IBM là một công ty đa dạng nên có rất nhiều cơ hội luân chuyển làm những công việc khác nhau. Một điểm hay nữa ở IBM là khi tôi đề đạt nguyện vọng làm việc của mình, tôi được "sếp" lắng nghe và tạo điều kiện để tôi phát huy mọi khả năng của mình. Điều đó làm tôi cảm thấy phấn khích và càng dốc lòng cho công việc.
- Anh có nghĩ là mình may mắn?
Có chứ. May mắn là một phần, nhưng tôi nghĩ may mắn cũng phải do mình chủ động tạo ra chứ không thể ngồi chờ may mắn. Ở IBM, công ty rất chú tâm đào tạo nguồn nhân lực. Công ty cho mình cơ hội để phát triển. Đó cũng là một may mắn. Vấn đề là bản thân mỗi nhân viên phải nỗ lực hết sức thì khi đó người khác mới nhìn thấy được nỗ lực của mình, khả năng của mình, đề cử và tạo điều kiện cho mình phát huy tài năng. Ngoài ra, mình phải là người nhìn ra cơ hội và chủ động nắm bắt. Trong một môi trường làm việc luôn luôn có cạnh tranh, người giỏi phải là người đi trước.
- Anh có mất nhiều thời gian để thích nghi với những khác biệt văn hóa?
Thật ra thì cũng có chút lo lắng, hồi hộp lẫn phấn khích khi đến một môi trường mới, đất nước mới. Nhưng khi đến bất kỳ một đất nước nào thì tôi chỉ nghĩ đây là công việc và mình là người đại diện cho IBM đi làm việc ở những thị trường khác nhau. Và dù làm việc ở đâu thì khả năng làm việc vẫn là quyết định. Ngoài ra, việc hòa đồng, thân thiện với mọi người và hiểu biết văn hóa, lề lối làm việc ở địa phương là điều cần thiết để công việc được thuận lợi. Ở Nam Mỹ, cách họ suy nghĩ, giao tiếp khá tương đồng với người Việt Nam. Họ quan tâm đến cá nhân, gia đình và khi đã tạo được sự tin cậy thì mọi người cảm thấy thân thiện, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ nhau trong công việc. Có những nước ở châu Âu cũng như thế, nhưng cũng có nước thì cách làm việc có khác hơn: rõ ràng, minh bạch, công việc là công việc. Với người làm quản lý thì hiệu quả công việc là quan trọng, nhưng ngoài công việc, còn có bạn bè, những giá trị khác của cuộc sống. Nếu mình biết trân trọng thì sẽ có được những người bạn trong công việc lẫn trong cuộc sống.
- Theo anh, để những người Việt Nam thăng tiến trong công việc, vươn lên những vị trí cao cấp hơn thì những kỹ năng nào cần củng cố, phát huy?
Tôi nghĩ về năng lực, người Việt Nam không thua bất kỳ ai. Tuy nhiên có những kỹ năng mà người Việt cần trau dồi nhiều hơn như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày. Và đặc biệt, một khi đã làm việc trong một thế giới nhiều tương tác, chúng ta phải tập suy nghĩ rộng thêm, đừng để mình bị bó hẹp, đóng khuôn trong suy nghĩ. Tinh thần học hỏi, cầu thị là quan trọng. Đó chính là những yếu tố giúp mình thấy được những cơ hội mới và dễ dàng thành công hơn trong công việc.
- Gần đây khái niệm "công dân toàn cầu" được nhắc đến để chỉ những người được sinh ra ở một nơi, sống ở một nơi, làm việc ở một nơi và di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác; sống không thể thiếu điện thoại, internet… Anh có nghĩ anh là một công dân toàn cầu?
Về năng lực, người Việt Nam không thua bất kỳ ai. Tuy nhiên có những "kỹ năng mềm" mà người Việt cần trau dồi nhiều hơn
Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, của internet, của điện thoại di động và nó làm cuộc sống của mỗi người thay đổi rất nhiều. Mọi người có thể liên lạc với nhau liên tục và nắm bắt được mọi thông tin gần như tức thời. Tôi là một thành viên của Công ty IBM toàn cầu nên cũng làm việc liên tục và có khi không phân biệt giờ giấc của quốc gia này với quốc gia khác. Ở vị trí cao cấp thì đòi hỏi bạn phải suy nghĩ, tư duy toàn cầu. Tuy nhiên ngoài công việc, khi trở về nhà, tôi là người Việt Nam và tôi cảm thấy tự hào, hãnh diện điều đó.
- Nếu có 3 thứ anh sẽ luôn luôn mang theo thì đó là gì?
Laptop, giấy tờ tùy thân, tiền (credit card).
- Thế còn điện thoại di động?
Ồ, tôi quên vì lúc nào cũng nghĩ nó là một phần của mình rồi. Đây là thứ không thể thiếu. Thật ra thì chỉ với một chiếc BlackBerry là đã giải quyết được rất nhiều công việc rồi, dù bất cứ ở đâu.
- Anh có bao giờ chủ động… ngưng nối kết, dù chỉ là một thời gian ngắn, đi nghỉ mát chẳng hạn?
Thực tế là không. Tôi nghĩ công việc là niềm vui. Khi nào mọi người đi làm và thấy đó là niềm vui thì sẽ làm việc với tinh thần hăng hái hơn nhiều.
- Anh có nói rằng "rời bàn làm việc, tôi luôn nhớ mình là người Việt Nam". Anh có bao giờ nghĩ sẽ có ngày nào đó anh quay trở về Việt Nam sống và làm việc?
Năm ngoái tôi đã đưa gia đình về Việt Nam. Con gái tôi rất thích. Nó chụp rất nhiều hình ảnh về làng quê ông bà tổ tiên, con người và chia sẻ hình ảnh với bạn bè nó. Nó tự hào với gốc gác và bản sắc của mình. Tôi nghĩ dù mình là ai, làm việc ở đâu thì cũng nên tư duy toàn cầu nhưng đồng thời vẫn phải là một cá nhân có bản sắc.
Hiện tại tôi đang trở về Việt Nam để cùng của IBM giúp tìm hiểu thông tin, cơ hội phát triển ở Việt Nam. Năm 2008, IBM đã chọn Việt Nam là một trong những nước ưu tiên phát triển và những chuyến đi về Việt Nam của tôi lần này cũng nằm trong kế hoạch đó.
Tôi cũng mong muốn giúp các bạn trẻ Việt Nam trau dồi thêm những kỹ năng mềm, kỹ năng trình bày, kỹ năng giao tiếp… Một lúc nào đó thuận tiện tôi sẽ làm việc này.
- Xin cảm ơn anh.


No comments:

Post a Comment