Nói đến hệ thống bán lẻ ở Mỹ người ta không thể
không nhắc tới hai đại gia trong lĩnh vực này đó là Kmart và Wal-Mart.
Năm 2001, Kmart tuyên bố phá sản, chỉ còn lại một mình "người khổng lồ"
Wal-Mart. Ít ai biết rằng ông trùm bán lẻ này lại khởi nghiệp chỉ với 1
xu.
Sam Walton - ông trùm bán lẻ ở Mỹ
Còn Sam Walton thì cho rằng: "Tôi không biết điều gì
khiến người ta có tham vọng, nhưng thực tế là tôi đã được trời phú cho
động cơ và tham vọng bẩm sinh, và tôi hy vọng những điều em trai tôi
nói là đúng. Mẹ của chúng tôi rất kỳ vọng vào con cái. Bà đọc rất nhiều
và yêu thích giáo dục cho dù bản thân bà không được hưởng học hành đến
nơi đến chốn. Bà vào đại học được một năm thì rời trường để lấy chồng.
Và có thể để bù đắp cho điều này, bà đã quy định từ đầu là tôi phải
vào đại học và phải đạt được một thành công cho bản thân mình. Nỗi buồn
lớn nhất trong đời tôi là bà mất vì bệnh ung thư quá sớm, khi chúng
tôi mới bắt đầu phát đạt trong kinh doanh.
Mẹ tôi là một người luôn biết cách tạo động
lực cho người khác và tôi đã nghiêm túc tuân theo lời bà rằng tôi phải
luôn cố gắng hết sức trong bất cứ việc gì mình làm. Vì vậy, tôi luôn
theo đuổi mọi thứ mình quan tâm với một ham mê thực sự - mà một số
người gọi đó là nỗi ám ảnh - để giành chiến thắng. Tôi luôn tự đặt ra
cái ngưỡng thật cao cho mình: đó là đề ra các mục tiêu cá nhân rất cao.
Thậm chí khi còn là một đứa trẻ tại Marshall,
Missouri, tôi nhớ mình đã là một đứa trẻ đầy tham vọng. Tôi là lớp
trưởng trong suốt nhiều năm. Tôi chơi bóng đá, bóng chày, bóng rổ với
những đứa trẻ khác. Tôi cũng còn tham gia bơi vào mùa hè nữa. Tôi ganh
đua đến nỗi khi bắt đầu tham gia nhóm hướng đạo sinh tại Marshall, tôi
đã đánh cuộc với những đứa trẻ khác xem ai trong số chúng tôi sẽ là
người đầu tiên đạt đến cấp bậc cao nhất (Đại bàng - Eagle) trong hàng
ngũ hướng đạo sinh. Trước khi tôi đạt được cấp Đại bàng ở Marshall, gia
đình chúng tôi đã chuyển tới một thị trấn nhỏ là Shelbina, bang
Missouri với dân số khoảng 1.500 người, nhưng tôi đã thắng cuộc; tôi
đạt được cấp Đại bàng ở tuổi 13, hướng đạo sinh đạt được cấp Đại bàng
trẻ tuổi nhất trong lịch sử bang Missouri vào thời điểm đó.
Tôi bắt đầu tham gia hoạt động nhóm khi học
lớp 5. Điều này thật khó tin, nhưng lại là sự thật:
trong suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ bị thua trong một trận đấu. Chắc
chắn là không phải hoàn toàn nhờ tôi, mà thực tế là tôi có một chút may
mắn. Tôi bị ốm hoặc bị chấn thương trong một số trận mà chúng tôi đã
không thể thắng dù có hay không có tôi - do vậy tôi đã tránh được một
vài thất bại. Nhưng tôi cho rằng, kỷ lục này quan trọng đối với tôi. Nó
dạy tôi biết chờ đợi chiến thắng, chấp nhận những thách thức khắc
nghiệt và luôn có kế hoạch để giành thắng lợi. Sau này trong cuộc đời
mình, tôi nghĩ Kmart hoặc bất cứ sự cạnh tranh nào mà chúng tôi phải
đối mặt cũng chỉ giống như trường trung học Jeff City, đội bóng mà
chúng tôi đối mặt trong trận chung kết bang năm 1935. Tôi không bao giờ
nghĩ là mình có thể thua; đối với tôi, gần như đương nhiên là tôi có
quyền thắng. Suy nghĩ theo cách đó dường như đã trở thành một lời tiên
đoán sau này trong suốt cuộc đời tôi.
Tôi tốt nghiệp Đại học Missouri vào tháng
6/1940 với bằng kinh doanh, và tôi đã làm việc cật lực như đã làm trong
suốt cuộc đời. Tôi luôn tràn đầy năng lượng, nhưng tôi cũng thấy mệt.
Từ khi vào trung học, tôi đã tự làm ra tiền và tự mua quần áo cho mình.
Tại trường đại học, tôi chi thêm tiền học, tiền ăn, các khoản hội phí
và tiền chi cho các cuộc hẹn hò. Bố mẹ tôi sẽ rất vui lòng giúp đỡ tôi
nếu có thể, nhưng đó là thời kỳ Đại khủng hoảng và họ không có thêm một
khoản tiền nào. Tôi phải tiếp tục công việc đưa báo trong thời học
trung học, và vào đại học tôi phải đi đưa thêm một số tuyến đường mới,
thuê một vài người giúp đỡ, và biến nó thành một việc kinh doanh tương
đối tốt. Tôi kiếm được khoảng 4.000 đến 5.000 đôla mỗi năm, khoản tiền
mà vào cuối thời kỳ Đại khủng hoảng là tương đối lớn.
Ngoài
việc đưa báo, tôi còn làm phục vụ bàn để đổi lấy đồ ăn, và tôi cũng
đứng đầu đội cứu hộ bể bơi. Bạn có thể thấy tôi là người khá bận rộn,
và bạn có thể hiểu được tại sao tôi ngày càng tôn trọng giá trị đồng đô
la. Nhưng giờ đã đến lúc tốt nghiệp đại học, và tôi đã sẵn sàng từ bỏ
những công việc này, để thực sự háo hức bước ra ngoài thế giới và tự
tạo ra một giá trị nào đó cho bản thân mình bằng một công việc thực sự.
Chuỗi siêu thị Wal*Mart nổi tiếng ở Mỹ
Lần đầu tiên cơ hội bán lẻ đến với tôi vào năm
1939, khi gia đình tôi chuyển đến ở cạnh nhà một người đàn ông tên là
Hugh Mattingly. Ông từng là thợ cắt tóc ở Odessa, Missouri trước khi
cùng với những anh em của mình bắt đầu phát triển một hệ thống có tới
60 cửa hàng vào thời điểm đó. Tôi có thể nói chuyện với ông về việc
buôn bán, về cách thức tiến hành, và kết quả kinh doanh. Ông rất quan
tâm đến tôi và sau đó thậm chí còn đề nghị tôi làm việc cho ông ta.
Công việc diễn ra khá thuận lợi - ba ngày sau
khi tốt nghiệp (ngày 03/06/1940) tôi đến nhận công việc tại cửa hàng JC
Penney tại Des Moines, Iowa, và bắt đầu làm nhân viên quản lý tập sự
với mức lương 75 đôla một tháng. Đó là ngày tôi gia nhập nghề bán lẻ,
và ngoại trừ thời gian phục vụ trong quân đội thì tôi đã ở trong nghề
này suốt 52 năm. Có thể tôi được sinh ra để trở thành một thương gia,
có thể đó là số phận. Tôi không biết nhiều về những điều đó, nhưng tôi
chắc chắn về điều này: tôi yêu thích nghề bán lẻ ngay từ đầu và đến tận
bây giờ tôi vẫn yêu thích nó. Tuy nhiên, không phải ngay lập tức mọi
việc đã diễn ra suôn sẻ như vậy.
Như đã nói, tôi có thể bán hàng, và tôi yêu
thích công việc bán hàng. Không may là tôi đã không bao giờ tập viết
cẩn thận. Helen nói rằng chỉ có khoảng năm người trên thế giới có thể
đọc được chữ viết như gà bới của tôi và bà ấy không thuộc số đó. Điều
này bắt đầu gây khó khăn cho tôi trong công việc mới. Ở Penney có một
nhân viên đến từ New York tên là Blake chuyên đi khắp đất nước để kiểm
toán các cửa hàng, đánh giá nhân sự và những việc linh tinh khác, và
ông ta gặp chúng tôi khá thường xuyên. Tôi nhớ rằng ông ta là một người
cao lớn, trên 6 feet, và luôn ăn mặc rất lịch sự với những bộ comple,
áo sơ mi và cà vạt đẹp nhất của hãng Penney. Ông ta rất khó chịu vì tôi
đã làm rối tung các hóa đơn bán hàng và thường nhầm lẫn số đăng ký
hàng hóa. Tôi không thể để một khách hàng mới phải đợi trong khi lãng
phí thời gian với đống giấy tờ về số hàng mà tôi đã bán và phải thừa
nhận là nó đã gây ra nhiều rắc rối.
Ông Blake
sẽ nói khi đến Des Moines sẽ gặp tôi: “Walton, nếu cậu không phải là
một nhân viên bán hàng giỏi như vậy, có lẽ tôi đã sa thải cậu. Có thể
cậu chỉ đơn giản là không được sinh ra để bán lẻ mà thôi”.
May
mắn thay, tôi đã tìm được một nhà vô địch trong cửa hàng nơi tôi làm.
Đó là nhà quản lý Duncan Majors, một người có khả năng tạo động lực
tuyệt vời và có niềm tự hào là đã đào tạo nhiều quản lý viên của Penney
hơn bất kỳ ai trên nước Mỹ. Ông có kỹ thuật riêng của mình và là một
nhà quản lý rất thành công. Bí quyết của ông là có thể khiến chúng tôi
làm việc từ sáu giờ rưỡi sáng đến bảy hoặc tám giờ tối. Tất cả chúng
tôi đều muốn trở thành quản lý viên như ông. Vào chủ nhật khi không
phải làm việc thì chúng tôi, cả tám người đều là nam giới đến nhà ông.
Tất nhiên chúng tôi sẽ nói chuyện về bán lẻ và chơi bóng bàn hoặc chơi
bài. Đó là một công việc làm cả tuần.
Tôi nhớ vào một ngày chủ nhật, Duncan Majors
lĩnh séc thưởng hàng năm của Penney và khoe nó ở khắp mọi nơi. Khoản
tiền thưởng khoảng 65.000 đôla đã gây ấn tượng mạnh tới chúng tôi. Việc
được nhìn người đàn ông này làm việc làm tôi thấy phấn khích với công
việc bán lẻ. Ông thực sự rất giỏi. Hồi đó có một điều hay là ngài James
Cash Penney thường đích mình đến thăm cửa hàng. Ông không qua lại các
cửa hàng thường xuyên như tôi vẫn làm sau này, nhưng ông cũng có đi
lại. Tôi vẫn nhớ ông đã chỉ cho tôi cách buộc và đóng gói hàng hóa, bọc
hàng với những sợi dây và những tờ giấy tuy nhỏ nhưng nhìn vẫn đẹp.
Tôi làm việc cho Penney khoảng mười tám tháng,
và theo những gì tôi biết, họ đã thực sự là đầu tàu của ngành này.
Nhưng hồi đó tôi đang trong quá trình tìm kiếm sự cạnh tranh. Bộ phận
tôi làm việc tại Des Moines có ba cửa hàng, do đó vào giờ ăn trưa tôi
đi lang thang tới các cửa hàng của Sears và Yonkers để xem họ làm gì.
Đến đầu năm 1942, khi chiến tranh vẫn đang
diễn ra, là một người đã tốt nghiệp ROTC, tôi hăng hái tình nguyện, sẵn
sàng vượt biển và thực hiện nghĩa vụ người lính của mình. Nhưng quân
đội là một điều ngạc nhiên lớn đối với tôi. Do có khuyết tật nhỏ về
tim, tôi không đủ tiêu chuẩn về thể lực để tham gia chiến đấu mà chỉ
được giao những nhiệm vụ hạn chế. Loại công việc này làm tôi chán nản
và do chỉ muốn được gọi đi chiến đấu nên tôi đã bỏ việc tại Penney và
chuyển xuống phía nam, về hướng Tulsa với ý niệm mơ hồ là muốn xem công
việc kinh doanh dầu lửa ở đây như thế nào. Nhưng tôi lại nhận được
việc làm tại nhà máy thuốc súng khổng lồ Du Pont tại thị trấn Pryor,
bên ngoài Tulsa. Căn phòng duy nhất tôi có thể tìm được nằm ở phía trên
Claremore. Đó là nơi tôi gặp Helen Robson vào một đêm tháng Tư tại một
sân chơi bowling.
Tôi và Helen yêu nhau cùng một lúc. Cuối cùng
tôi cũng được gọi vào quân đội để tham gia những nhiệm vụ thực sự. Do
khuyết tật về tim, tôi không được chứng kiến các trận đánh nhưng vẫn có
thể nhận trách nhiệm với chức vụ thiếu úy. Khi gia nhập quân đội, tôi
đã xác định được hai việc: tôi đã biết được người mà tôi muốn lấy, và
đã biết phải làm gì để kiếm sống - đó là bán lẻ. Khoảng một năm sau khi
gia nhập quân đội, Helen và tôi cưới nhau vào ngày lễ Valentine
14/2/1943, tại thị trấn quê hương của Helen là Claremore, bang
Oklahoma. Rồi chúng tôi quyết định khai trương cửa hàng bán lẻ đầu
tiên.
Năm năm đầu tiên của tôi ở Newport đã trôi qua
và tôi đã thực hiện được mục tiêu của mình. Cửa hàng Ben Franklin nhỏ
của tôi đã có được doanh số 250.000 đôla và đem lại 30.000 tới 40.000
đôla lợi nhuận trong một năm. Đó là cửa hàng Ben Franklin số một về
doanh số và lợi nhuận, không chỉ ở Arkansas mà ở toàn bộ vùng sáu bang.
Nó là cửa hàng tạp hóa lớn nhất tại Arkansas, và tôi không tin là có
một cửa hàng nào lớn hơn tại ba hay bốn bang lân cận".
(Trích cuốn "Sam Walton - ông vua bán lẻ ở Mỹ" do Công ty Alpha Books phát hành)
(Nguon Blog ky Nang)
No comments:
Post a Comment