(DĐDN) Hyundai là một trong
những bằng chứng điển hình nhất về khả năng đóng vai trò và phô trương
ảnh hưởng của thương hiệu trên chính trường.
Trong thế giới thương hiệu,
Hyundai không chỉ là một trong những thương hiệu sáng giá và danh giá
nhất của Hàn Quốc, không chỉ rất thành công trên thương trường, mà còn
đóng vai trò rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc kể từ
khi lập quốc. Lịch sử thương hiệu này là quá trình đi từ không đến có
và là cuộc đời của một con người với ý chí bền bỉ và quyết tâm sắt đá vì
khát vọng đổi đời.
Ý chí quyết định tất cả
Câu chuyện về thương hiệu
Hyundai trước hết là câu chuyện về người sáng lập ra nó, Chung Ju-yung.
Ông sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo và đông con ở tỉnh
Kangwon (thuộc Triều Tiên ngày nay). Ngay từ thủa bé, Chung Ju-yung đã
mơ ước về sau trở thành thày giáo. Nhưng thời ấy, ở vùng nông thôn nghèo
ấy và với gia cảnh bần hàn, việc được học hành đến nơi đến chốn để thực
hiện khát vọng kia là chuyện quá xa xỉ và không hiện thực đối với cậu
bé. Cậu chỉ được ngồi học ké trong lớp học của ông nội mỗi khi không
phải làm việc đồng áng trên khu đất của gia đình. Những lần tới thành
phố bán củi và những gì đã đọc, đã nghe được về cuộc sống nơi kinh kỳ đã
đưa chàng thanh niên này đến với nhận thức, muốn thoát khỏi cái nghèo
túng thì phải đi làm và dựng nghiệp ở nơi đô thành. Ba lần trốn bố mẹ bỏ
quê lên thành thị kiếm việc làm đều bị người cha tìm ra và bắt về nhà.
Năm 1933, Chung lần thứ tư bỏ nhà ra đi, đến Seoul làm công nhân bốc vác
ở cảng Incheon, rồi làm thợ xây dựng, sau đó làm công nhân trong một xí
nghiệp sản xuất đồ uống.
Bước ngoặt lớn thứ hai đối
với Chung sau quyết định bỏ quê hương và gia đình là chuyển sang làm
việc cho cửa hàng bán gạo Bokheung ở Seoul. Chung nhận ra công việc ở
đây là cơ hội làm giàu và thăng tiến. Chung làm vừa lòng khách hàng đến
mức ông chủ không thể không để ý. Chỉ sau sáu tháng, Chung đã được ông
chủ tín nhiệm giao cho phụ trách toàn bộ công việc kế toán tài chính của
cửa hàng. Những kiến thức và kinh nghiệm có được từ công việc này có
tầm quan trọng quyết định tới hiệu quả quản lý và điều hành tập đoàn
Hyundai sau này. Năm 1937, người chủ cửa hàng bị ốm và giao cửa hàng cho
Chung, khi đó mới 22 tuổi. Chung đổi tên cửa hàng thành cửa hàng gạo
Kyungil. Công chuyện kinh doanh đang rất thuận lợi thì năm 1939, phát
xít Nhật cấm người Triều Tiên kinh doanh gạo. Chung phải trở về quê,
nhưng năm 1940, lại tới Seoul thành lập một xưởng sửa chữa ô tô. Trong
vòng có 3 năm, xưởng của Chung phát triển thành một xưởng lớn và đem lại
lợi nhuận lớn cho ông. Năm 1943, chính quyền Nhật chiếm đóng buộc xưởng
của Chung phải sát nhập với một nhà máy luyện thép để phục vụ cho chiến
tranh. Chung lại bị buộc phải về quê. Chỉ sau khi Triều Tiên được giải
phóng, cơ hội kinh doanh lập nghiệp thật sự mới đến với Chung.
Năm 1947, Chung thành lập
công ty Hyundai và Hyundai Civil Industries. Chung nhận ra, sau chiến
tranh, nhu cầu về tái thiết và công nghiệp hoá rất lớn và đó là cơ hội
kinh doanh thuận lợi có một không hai. Công ty của Chung nhận được những
đơn đặt hàng và trúng thầu - mà thực chất là chỉ định thầu - nhiều dự
án lớn ở Hàn Quốc, đặc biệt về cơ sở hạ tầng giao thông, rồi cả những dự
án xây dựng của quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc. Hyundai của Chung dần trở
thành Chaebol lớn nhất ở Hàn Quốc, và phải rất lâu sau đó mới bị Samsung
đẩy xuống vị trí thấp hơn.
Phép cộng tạo cơ đồ
Hyundai
kết hợp ý chí đặc thù của Hàn Quốc với tính chính xác của Nhật và kinh
nghiệm quản lý kinh doanh của Mỹ trong mọi công đoạn
|
Đối với việc xây dựng, duy
trì và phát triển của mọi thương hiệu, nhân tố con người vẫn luôn quyết
định nhất. Nhưng trong trường hợp Hyundai thì tác nhân bên ngoài cũng
lại quyết định không kém. Từ cửa hàng bán gạo ở Seoul đến những đơn đặt
hàng của chính phủ và quân đội Mỹ và đặc biệt là chủ trương chính sách
của chính phủ nhằm gây dựng nền công nghiệp chế tạo ôtô tự lập đều là
những nấc thang đưa Hyundai đến thành công. Ở đây, mưu sự đúng là tại
nhân, nhưng thành sự lại không chỉ có tại nhân. Nắm bắt cơ hội để định
hướng kinh doanh là một trong những bài học kinh nghiệm thành công lớn
nhất của thương hiệu này. Hyundai kết hợp ý chí đặc thù của người Hàn
Quốc với tính chính xác của Nhật Bản và kinh nghiệm quản lý kinh doanh
của Mỹ trong mọi công đoạn sản xuất và quản lý để có được chất lượng cao
nhất, hiệu quả lớn nhất và hiệu ứng tối ưu. Năm 2011, Công ty
Interbrand xếp Hyundai đứng thứ 61 trong số 100 thương hiệu sáng giá
nhất thế giới, với giá trị thương hiệu hơn 6 tỷ USD. DN
No comments:
Post a Comment