27 June 2012

Thời cho doanh nghiệp nội?


Từ vị trí hấp dẫn nhất toàn cầu, thị trường bán lẻ Việt Nam đã tụt khỏi Top 30. Đây có là cơ hội để doanh nghiệp nội làm chủ sân nhà?
Hãng tư vấn danh tiếng A.T. Keraney của Mỹ vừa công bố Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012. Theo đó, Việt Nam đã tụt 9 bậc từ vị trí thứ 23 năm 2011 và rời khỏi Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Như vậy, từ vị trí thứ nhất năm 2008, sau 4 năm, Việt Nam đã liên tục tụt dốc.
Theo các chuyên gia, những rào cản về môi trường đầu tư như: thủ tục, tiếp cận mặt bằng… cùng sự biến động, bất ổn liên tiếp về môi trường kinh tế vĩ mô là nguyên nhân chính khiến thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng. Đặc biệt tình trạng lạm phát kéo dài làm cho sức mua trong dân giảm sút nghiêm trọng. Năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ chỉ đạt 4%. Tình hình ảm đạm này được tiếp diễn trong 5 tháng đầu năm 2012, khi tổng mức bán lẻ chỉ đạt 6,6%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trên 20% của những năm trước.
Tuy nhiên, lạm phát hay suy thoái kinh tế chỉ là tác động ngắn hạn đến thị trường bán lẻ Việt Nam. Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân căn bản nhất là do những bất ổn kinh tế vĩ mô cùng môi trường thu hút đầu tư của Việt Nam chưa thực sự đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
Thị trường bán lẻ vẫn hấp dẫn doanh nghiệp nội
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính phiền hà, khó khăn trong tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh, quy hoạch hệ thống phân phối bán lẻ chưa được đồng bộ trong khi sức mua giảm sút, kinh tế vĩ mô bất ổn đã làm cho các NĐT “nản lòng” khi muốn đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trao đổi với PV Báo, lãnh đạo Hệ thống Siêu thị Fivimart khẳng định, tiêu chí hấp dẫn mà A.T. Keraney công bố là độ hấp dẫn của NĐT về thị trường đầu tư. Vì vậy khi sức mua giảm, hiệu quả kinh doanh thấp, sức thu hút đầu tư không cao nên nhà đầu tư đánh giá như vậy. Với Fivimart, thị trường bán lẻ Việt Nam còn đầy sự hấp dẫn. Minh chứng là trong giai đoạn hiện nay, mặc dù sức mua giảm nhưng Fivimart vẫn nỗ lực tìm kiếm địa điểm để mở rộng mạng lưới bán lẻ của mình. Các siêu thị không chỉ tập trung ở đô thị mà sẽ lan rộng ra các địa phương trong cả nước.
Ông Trần Xuân Kiên, Tổng giám đốc Công ty CP Thế giới số Trần Anh cho rằng: “Nguyên nhân lớn khiến thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng là do những quy định về tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đã làm giảm mức độ hấp dẫn của thị trường. Theo quy định này, các DN nước ngoài chỉ được mở một điểm bán lẻ, từ điểm thứ hai trở lên phải qua quá trình phê duyệt phức tạp. Nhưng đến năm 2015, rào cản ENT được dỡ bỏ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường bán lẻ Việt Nam và đầu tư nhiều hơn”.
Cũng theo ông Kiên, thông tin này có tác động hai chiều, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ cảm thấy nản và ngừng đầu tư, chờ đợi tín hiệu tốt hơn. Nhưng với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước thì đây sẽ là cơ hội để họ chuẩn bị tiềm lực, tăng tốc nhằm giành thị phần trước khi nhà bán lẻ nước ngoài nhảy vào.
Báo VOV Thứ Ba, 26/06/2012 - 13:29

No comments:

Post a Comment